Phát triển du lịch từ mô hình nông trại

Theo các cụ cao niên kể lại, xã Xuân Phúc trước đây là vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Mường và Thái ở các địa phương khác chuyển về làm ăn, sinh sống cư ngụ rãi rác. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi bao bọc, xưa kia là những cánh rừng nguyên sinh với rất nhiều loại gỗ quý hiếm cùng hệ thực vật, động vật hết sức đa dạng, phong phú. Chính địa hình dốc thoải từ Tây Nam xuống Đông Bắc đã tạo thành dòng chảy tự nhiên, nên Nhân dân trong vùng đã tận dụng để đắp các đập nước nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Phát triển du lịch từ mô hình nông trại- Ảnh 1.

Về với xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh hôm nay, chúng tôi được ghé thăm trang trại của gia đình chị Phạm Thị Huệ để tham quan những mô hình nông nghiệp rất tiềm năng.  

Hồ Khe Dài có diện tích tự nhiên 22ha, bao bọc bởi đồi núi thấp với những cánh rừng bạt ngàn của huyện Như Thanh, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, thơ mộng, xanh ngút tầm mắt. Đây cũng chính là nơi chị Huệ ấp ủ và chăm chút cho mô hình nuôi trai lấy ngọc của gia đình với 2000 con trai trong suốt 3 năm qua.

Phát triển du lịch từ mô hình nông trại- Ảnh 2.

Nuôi trai lấy ngọc kết hợp phát triển du lịch là mô hình không mới ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Nha Trang, Ninh Bình…nhưng còn khá mới mẻ tại Thanh Hóa. Bên cạnh giá trị kinh tế cao so với các con nuôi thông thường, ưu điểm của mô hình này được thể hiện ở chỗ, do trai được nuôi trên các giàn phao lưới, nên chỉ sử dụng diện tích mặt nước, còn lại vẫn có thể nuôi cá bình thường, vì vậy, dù thời gian nuôi trai kéo dài 2 đến 3 năm thì vẫn không làm ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và thu nhập thường xuyên của người nuôi. Ngoài ra, việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ giúp người nuôi trai không phải mất bất kỳ chi phí nào để mua thức ăn nên hoàn toàn có thể nuôi kết hợp, nhằm lấy ngắn nuôi dài, bảo đảm nguồn thu nhập của gia đình. Nhận thấy tiềm năng kinh tế vượt trội, chị Huệ đã học hỏi kinh nghiệm và nuôi cấy thành công những lứa trai đầu tiên.

Là một người con của bản Mường, sinh ra và lớn lên ở vùng núi Bá Thước, sau khi lập gia đình, chị Phạm Thị Huệ rời xa quê hương để cùng gia đình chồng lập nghiệp ở Như Thanh. Không chỉ là một cán bộ mặt trận năng nổ, chị Huệ còn rất tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương. Ngoài nuôi trai lấy ngọc, chị còn nuôi lợn rừng, nuôi cá, trồng keo và một số loại cây ăn quả… Đặc biệt, chính từ tình yêu và nỗi nhớ quê hương cùng bao trăn trở, tâm huyết, chị quyết tâm nhân giống vịt Cổ Lũng bản địa của Bá Thước tại huyện Như Thanh và đã thành công. Sau 4 năm bền bỉ, kiên trì không bỏ cuộc, từ đàn vịt ban đầu chỉ vỏn vẹn 10 con, đến nay, gia đình chị đang nuôi gần 3000 con vịt Cổ Lũng với đầu ra ổn định, xuất bán gần 1000 con mỗi tháng…

Nếu bạn muốn thưởng thức vịt Cổ Lũng đặc sản mà không có thời gian di chuyển quãng đường dài lên huyện miền núi cao Bá Thước, trang trại của gia đình chị Huệ sẵn sàng tiếp đón và thết đãi những vị khách gần xa những món ẩm thực đặc sắc nhất, một trong số đó là món vịt cổ lũng nướng lu, một cách chế biến vô cùng độc đáo.

Phát triển du lịch từ mô hình nông trại- Ảnh 3.

Còn gì tuyệt vời hơn khi trong một ngày cuối tuần đầy nắng, được hòa mình cùng thiên nhiên với những khám phá thú vị, tận mắt chứng khiến những mô hình nông nghiệp đầy tiềm năng và thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương thơm ngon, hấp dẫn. Hi vọng trong tương lai không xa, mô hình du lịch trải nghiệm nông trại này ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh sẽ được nhân rộng, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách, đồng thời góp phần vào việc đa dạng hóa các loại hình du lịch của huyện Như Thanh, qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân. 

Nguồn: Chuyên mục Đất và người xứ Thanh/TTV

Đánh giá post này: