Cuộc chơi của đất

Theo tài liệu khảo cổ cho thấy, đồ gốm bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam khoảng vào một vạn năm trước và nó gắn bó vô cùng mật thiết với đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, đồ gốm thời kỳ sơ khai vẫn còn rất thô sơ. Bước vào giai đoạn phát triển của đồ đồng thì gốm sứ Việt Nam cũng từ đó mà hoàn thiện và phát triển hơn. Các sản phẩm gốm thời kỳ đồ đồng phong phú, đa dạng như: nồi, chõ, bát, đĩa, chậu, hoa tai, vòng tay… Về chất liệu thì chủ yếu vẫn là đất nung, một số sản phẩm có thêm lớp áo đất với các màu khác nhau. Về họa tiết trang trí thì chủ yếu là những nét chìm.

Cuộc chơi của đất- Ảnh 1.

Thế kỷ 10 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam: Thời kỳ phục hồi độc lập dân tộc sau hơn một ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc. Suốt bốn thế kỷ, từ nhà Lý sang nhà Trần, đồ gốm đạt được những thành tựu rực rỡ. Quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm, chất liệu… đều được mở rộng. Nhiều loại men được ứng dụng và ổn định về công nghệ. Đặc biệt men trắng cũng xuất hiện ở thời kỳ này bên cạnh men tro và men đất. Ba yếu tố cơ bản tạo nên vẻ đẹp của đồ gốm là hình dáng, hoa văn trang trí, men màu. Sự phát triển của kỹ thuật và trình độ thẩm mỹ cao đã tạo nên sản phẩm gốm thời kỳ này có ba loại nổi tiếng là gốm men trắng ngà chạm đắp nổi, gốm hoa nâu, gốm men ngọc.

Cuộc chơi của đất- Ảnh 2.

Trải qua hàng nghìn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làm gốm vẫn đau đáu một niềm gìn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh hoa chứa đựng đam mê, sức sáng tạo và gửi gắm tình cảm, tinh thần chịu thương chịu khó của người Việt.

Như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa, kết nối xưa và nay, gốm đã bước từ cuộc sống dung dị hàng ngày để trở thành những tác phẩm nghệ thuật, thành một thú vui tao nhã của nhiều người trẻ. Không chỉ là cách để thả lỏng tinh thần, phát huy khả năng sáng tạo, làm gốm còn giúp những người trẻ hiện đại tiếp xúc, gắn bó với nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Hoạt động này đang được nhiều người trẻ lựa chọn, để tìm lại bình yên trong cuộc sống ồn ào.

Cuộc chơi của đất- Ảnh 3.

Những năm về trước, xưởng gốm nhỏ này được anh Trần Xuân Tý xây dựng với mục đích làm xưởng sáng tác của riêng mình. Nhưng vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu nhiều người muốn trải nghiệm các nghề thủ công như làm gốm ngày càng tăng, anh đã quyết định mở cửa xưởng, đón du khách đến tham quan, trải nghiệm. Góc nhỏ trải nghiệm được anh bài trí nhiều bàn xoay, lò nung và các dụng cụ làm gốm đã thu hút các du khách, đặc biệt là giới trẻ muốn tìm hiểu nghệ thuật làm gốm.

Họa sỹ Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng Ban Mỹ thuật – Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa chia sẻ: “Đây vừa là không gian hoạt động nghệ thuật riêng của anh anh Trần Xuân Tý cũng vừa là nơi các hoạ sỹ trong Ban Mỹ thuật của Hội Văn học nghệ thuật tới giao lưu, có những tạo hình về các chất liệu điêu khắc nói chung, về gốm nói riêng”.

Từ những viên đất sét mềm mại, du khách sẽ được hướng dẫn cách tạo ra tác phẩm gốm đẹp mắt và mang dấu ấn cá nhân. 

Cuộc chơi của đất- Ảnh 4.

Đầu tiên và cũng quan trọng nhất chính là công đoạn nhào nặn và tạo hình đất sét trên bàn xoay, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, khéo léo và sáng tạo. Ở công đoạn này, du khách phải đặc biệt chú ý điều chỉnh lực tay và tốc độ bàn xoay để tạo ra những chi tiết mong muốn. Bởi nếu lỡ tay, đất sét có thể bị nát hoặc méo mó, làm hỏng toàn bộ sản phẩm. Tiếp đó là đến khâu trang trí. Du khách có thể sử dụng các dụng cụ như dao, lược, bút chì… để vẽ hoa văn, chữ viết hay hình ảnh lên bề mặt sản phẩm theo sở thích của mình. Bước cuối cùng, sản phẩm gốm sẽ được đưa vào lò nung để tạo độ cứng và bóng. Quá trình nung kéo dài khoảng 30 phút, vậy mới đủ để hình thành những tác phẩm gốm.

Cuộc chơi của đất- Ảnh 5.

Đối với nhiều người, việc làm gốm không chỉ là khám phá một hình thức nghệ thuật, mà còn là cách để họ thể hiện sự sáng tạo, khám phá bản thân, tìm hiểu và thể hiện cảm xúc của mình một cách tự do và an toàn.

Thông qua việc tạo ra những sản phẩm từ đất, họ không chỉ thêm hiểu biết mà còn khám phá ra khả năng tiềm ẩn bên trong và tạo nên những kỷ niệm vô giá. Sự hồi hộp, cảm giác tự do, sự thỏa mãn… tất cả trải nghiệm ấy đều tuyệt vời và đắt giá hơn bao giờ hết.

Cuộc chơi của đất- Ảnh 6.

Trải nghiệm làm gốm là một hành trình tuyệt vời để bước vào thế giới của những người nghệ nhân đầy tài năng và sáng tạo. Cảm giác được chạm tay vào những miếng đất, vẽ dần lên hình hài gốm sứ sẽ khiến cho người ta nhớ mãi. Lắng nghe tiếng nói của đất sét, thông qua đôi tay và tâm hồn, mỗi người sẽ được thể hiện ý tưởng và cảm xúc của mình trong từng tác phẩm.

Nguồn: Chuyên mục Văn hoá nghệ thuật/TTV

Đánh giá post này: