Công tác bảo tồn văn hóa ở huyện Quan Hóa

Để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Quan Hóa đã xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và lâu dài. Huyện đã bám sát nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Từ đó xây dựng các đề án, chương trình hành động nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, lồng ghép việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Công tác bảo tồn văn hóa ở huyện Quan Hóa- Ảnh 1.

Vào tháng 2 âm lịch, năm 2008, sau hơn 50 năm mai một, Lễ hội Mường Ca Da – một lễ hội truyền thống độc đáo, lâu đời của các dân tộc trên địa bàn huyện Quan Hóa, được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch và UBND huyện Quan Hóa phục dựng. Từ đó, cứ 5 năm 1 lần, Lễ hội Mường Ca Da được tổ chức ở quy mô cấp huyện, tính đến nay đã tổ chức được 4 lần. Lễ hội Mường Ca Da đã trở thành một không gian văn hóa đầy màu sắc, là dịp thể hiện lòng tự hào về các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Các hoạt động của lễ hội đã góp phần quảng bá, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Quan Hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội Mường Ca Da có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ có các hoạt động đáng chú ý như: lễ rước kiệu từ chùa Ông đến đền thờ Thượng tướng Thống lĩnh quân Lò Khằm Ban; lễ xên Mường, lễ Tay – Ắm – Oóc (kể về sự tích hình thành vùng đất); lễ Khun – mục – pục – tứn (lễ mộc dục). Phần hội có rất nhiều hoạt động khác nhau, như: chương trình nghệ thuật sân khấu hóa; trò chơi, trò diễn dân gian; giao lưu văn hóa – văn nghệ giữa các dân tộc huyện Quan Hóa với nước bạn Lào…

Công tác bảo tồn văn hóa ở huyện Quan Hóa- Ảnh 2.

Năm 2019, Lễ hội Mường Ca Da đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Quan Hóa.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Lễ hội Mường Ca Da là một lễ hội lớn, có truyền thống lâu đời của người dân vùng đất Quan Hóa. Thời qua, Huyện ủy, HĐND, UBND và đồng bào các dân tộc đã cùng nhau phục dựng lại. Lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thông qua lễ hội, chúng tôi mong muốn gửi gắm hình ảnh thân thiện về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn huyện Quan Hóa“.

Để có được một lễ hội độc đáo, phong phú và giàu bản sắc như vậy, phải kể đến sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, của đồng bào các dân tộc Quan Hóa, là tâm huyết của những người yêu văn hóa, văn nghệ dân gian, trong đó hạt nhân là các nghệ nhân ở các thôn bản, đã dày công sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội trong nhiều năm qua.

Công tác bảo tồn văn hóa ở huyện Quan Hóa- Ảnh 3.

Mường Ca Da, tức huyện Quan Hóa ngày nay, là một trong những vùng đất cổ xưa, một mường lớn của dân tộc Thái bản địa ở Thanh Hóa. Chính vì vậy, qua hàng trăm năm, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được các thế hệ người Thái trao truyền nhau gìn giữ và phát triển. Hiện nay, ở Quan Hóa còn nhiều bản Thái giữ được nếp nhà sàn truyền thống, nghề dệt thổ cẩm…; cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian như: cồng chiêng, khua luống, hát khặp… và các trò chơi dân gian. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian này đã được hội tụ và tỏa sáng tại các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”, Liên hoan văn nghệ dân gian, hay trong các dịp lễ, tết ở các bản làng.

Công tác bảo tồn văn hóa ở huyện Quan Hóa- Ảnh 4.

Ông Phạm Quang Thẩm, Hội viên Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam

Ông Phạm Quang Thẩm, Hội viên Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết: Dân tộc Thái thì có nhiều trò chơi, trò diễn âm nhạc dân gian khác nhau, như: tó mc lẹ, đi cà kheo, ném còn, khua luống, đánh cồng chiêng… Các trò này tạo ra không khí vui nhộn, giúp cho người chơi rèn luyện sự tinh nhanh và linh hoạt hơn“.

Đồng hành với cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa huyện Quan Hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống phải kể đến các nghệ nhân, người có uy tín, các câu lạc bộ liên thế hệ, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở các thôn, bản, khu phố… Các nghệ nhân, nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa là con em quê hương Quan Hóa hoặc yêu mến văn hóa bản địa, như: ông Hà Văn Thương, ông Phạm Quang Thẩm, ông Cao Bằng Nghĩa, anh Vi Đức Thái, chị Hà Kim Yến, chị Hà Thị Tuôn… đã có nhiều đóng góp trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Câu lạc bộ liên thế hệ khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân và Câu lạc bộ khèn Mường Ca Da đều do ông Cao Bằng Nghĩa sáng lập và làm chủ nhiệm, đã thu hút được hàng chục hội viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau trên địa bàn tham gia. Thông qua các câu lạc bộ này, giá trị văn hóa truyền thống cha ông được “sống lại” trong cộng đồng, tiếp tục được gìn giữ và phát huy.

Ông Cao Bằng Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Văn hóa truyền thống của dân tộc Thái rất đa dạng và phong phú. Học và thổi khèn bè cũng là một trong những bản sắc của người Thái. Hiện nay, rất tiếc là con ít người biết đến nó. Chính vì lẽ đó, tôi đã thành lập Câu lạc bộ khèn bè mường Ca Da để truyền dạy cho các cháu. Trước hết là học thổi sáo, học thêm sáo Mèo, khèn Mông, rồi mới nâng cấp lên học khèn bè. Tôi còn phối hợp giữa học khèn và học chữ Thái. Hiện đã có hơn chục thành viên tham gia.

Nhiều câu lạc bộ khặp Thái cũng được thành lập ở các thôn bản, khu phố trên địa bàn huyện Quan Hóa, thu hút nhiều nghệ nhân, người dân và các em học sinh tham gia, như các xã Nam Xuân, Phú Lệ, Trung Thành, Trung Sơn, Hiền Kiệt, thị trấn Hồi Xuân… Chính vì vậy, ở hầu hết các sự kiện lễ hội, ngày hội văn hóa, khặp Thái đã trở thành một bộ môn nghệ thuật dành cho các nghệ nhân “trổ tài”.

Công tác bảo tồn văn hóa ở huyện Quan Hóa- Ảnh 5.

Bà Hà Kim Yến, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn xã chúng tôi đang gìn giữ nhiều bài khặp, làn điệu khặp khác nhau, như: khặp giao duyên, khặp đón dâu về nhà chồng, khặp trong các sự kiện lễ hội… Chúng tôi cũng sáng tác những bài khặp mới, như bài “Ca ngợi mường Ca Da” để tham gia chúc mừng ở các lễ hội“.

Hướng đến mục tiêu “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, huyện Quan Hóa đã gắn xây dựng đời sống kinh tế – xã hội với giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong đó đáng chú ý là bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương có tiềm năng như: bản Bút (xã Nam Xuân), bản Hang (xã Phú Lệ), khu Nghèo (thị trấn Hồi Xuân).

Hiện nay ở huyện Quan Hóa đang phát triển các loại hình du lịch như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm… Nhiều sản phẩm du lịch nổi bật của huyện Quan Hóa đã và đang thu hút khách du lịch như: khám phá ruộng bậc thang, khám phá hồ Pha Đay, trải nghiệm phiên chợ đêm Hồi Xuân, trải nghiệm văn hóa dân tộc, trải nghiệm ẩm thực…

Công tác bảo tồn văn hóa ở huyện Quan Hóa- Ảnh 6.

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Bản Bút, xã Nam Xuân còn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Do vậy, các giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể khá độc đáo như: nhà sàn truyền thống, văn hóa văn nghệ dân gian, làng nghề dệt thổ cẩm và đan lát, văn hóa ẩm thực… đang được bà con gìn giữ phát huy cho đến ngày hôm nay, đồng thời, là một sản phẩm du lịch độc đáo”.

Bà Hà Thị Kiều, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tới đây, cấp ủy, chính quyền thị trấn Hồi Xuân sẽ tiếp tục chỉ đạo, định hướng cho thôn bản, khu phố, các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương“.

Có thể thấy rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Quan Hóa đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hội nhập của đất nước hiện nay.

Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh/TTV

Đánh giá post này: