Đến tham quan Khu Du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc ở Phường Quảng Thịnh, Thành phố Thanh Hoá, Nhân dân và du khách đặc biệt ấn tượng bởi sự hiện hữu của cây di sản có độ tuổi khoảng trên 1 nghìn 500 tuổi.
Với chiều cao khoảng 30m, đường kính khoảng hơn 1m, đường kính tán cây khoảng 8m, ngày 02/12/2020, cây Nhội đã được “Tổ chức kỷ lục Việt Nam” công nhận là cây di sản lớn nhất Việt Nam.
Ông Hà Huy Tâm, Phó Viện Trưởng Viện nguyên cứu văn hoá truyền thống Việt Nam cho biết: “Cây này ở trên vùng rừng núi của Thường Xuân, nếu như không đưa về đây để được bảo tồn như bây giờ thì cây này cũng không còn tồn tại nữa. Bởi vì cây này nằm ở trên vách núi và nó sắp đổ, sau khi phát hiện được thì được sự đồng ý của chính quyền địa phương và cho phép được di chuyển cây về để bảo tồn”.
Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, hiện có hàng chục cây cổ thụ với nhiều loài quý hiếm có độ tuổi từ 300 năm đến 700 năm. Hiện tại khu rừng đặc dụng Lam Kinh có 18 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam, như: đa, duối, lim xanh, sui, xoài đất, dổi, đại, sấu,…
Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng đặc dụng Lam Kinh, Ban quản lý Khu di tích và địa phương đã có nhiều giải pháp để bảo vệ an toàn các cây di sản góp phần nâng tầm giá trị văn hoá, giá trị thiên nhiên, cảnh quan môi trường, từ đó ngày càng thu hút đông đảo du khách đến với di tích.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết thêm: “Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Thanh Hóa nói chung và Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh nói riêng đã có thể nuôi dưỡng, di chuyển được cây di sản đẹp như thế này. Cây linh kỳ mộc này với 1.500 tuổi có thể là một trong những cây mà lâu đời nhất của Việt Nam và nó là một cái niềm tự hào của công việc bảo tồn sinh vật cảnh ở Việt Nam”.
Trong những khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng ở các huyện miền núi Thanh Hoá như Như Xuân, Ngọc lặc, Lang Chánh, Thường Xuân…đến nay vẫn đang còn nhiều cây cổ thụ quý hiếm có độ tuổi từ 500 năm đến hơn 1 nghìn năm tuổi. Đây chính là tiềm năng lớn thu hút du khách và các đoàn chuyên gia đến tham quan, tìm hiểu.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan
Thanh Hoá cần tiếp tục làm tốt hơn nữa mô hình bảo vệ cây di sản từ phía cộng đồng. Bởi đó không chỉ là tài sản vật chất mà còn mang giá trị văn hoá tinh thần to lớn mà chính thiên nhiên, tiền nhân đã để lại cho con cháu hiện tại và tương lai.
Nguồn: Bản tin THNM/TTV