Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm các nữ anh hùng trong dân gian – những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.

Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu- Ảnh 1.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như: trời, đất, sông nước, rừng núi..): thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ.

Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành – đó là Đạo Mẫu.

Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu- Ảnh 2.

Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật hát chầu văn (hát hầu đồng) – một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Việt. Trong đó, nghi lễ hầu đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh, các vị thánh thông qua các ông đồng, bà đồng. Thường các vị thánh sẽ hóa thân vào nhân vật dùng nhạc, thơ, lời kể lại chuyện. Đồng thời, thể hiện quyền lực siêu phàm của các thánh nữ như trừ ma, phán bệnh, ban phúc lộc… Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, biểu hiện qua hệ thống các vị thần được thờ trong điện có cả những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc và cả những vị thánh vùng rừng núi, dân tộc thiểu số. Việc thực hành nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội không ngoài mục đích là cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc bình an, đây cũng là khát vọng chính đáng của con người trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng

Cùng với Nam Định, Thanh Hoá là một trong những trung tâm thờ Mẫu lớn của cả nước và là địa phương có không gian diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ khá rộng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân, tác động đến sự phát triển văn hoá xã hội. Thanh Hóa có những di tích tiêu biểu trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu như đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn), đền Phố Cát (huyện Thạch Thành), Phủ Na (huyện Như Thanh)…

Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu- Ảnh 3.

Đặc biệt, kể từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, các hoạt động sinh hoạt của tín ngưỡng này được phát triển mạnh mẽ, lan toả sâu rộng, được bảo vệ và phát huy dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hành di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập.

Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu- Ảnh 4.

Giáo sư Trần Lâm Biền

Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết: “Những người lên đồng không được đào tạo cẩn thận, hiểu biết về hầu thánh hay là lên đồng hầu bóng không rõ ràng, bản chất lên đồng không nắm được tất yếu sẽ dẫn đến đồng tỉnh nhiều hơn là đồng mê, thay vào đó là quần áo đẹp, nhảy múa đẹp để nghe lời khen ngợi của các tín đồ xung quanh”.

Tại hội thảo về chủ đề bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ mẫu phục vụ phát triển du lịch được Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hoá truyền thống và Kiến trúc xây dựng Việt Nam tổ chức mới đây, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ và đưa di sản này thành một sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng ở xứ Thanh.

Thực hiện công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đối với thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt, những năm qua, ngành văn hóa tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo vệ di sản theo tinh thần của công ước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước để giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản; ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục cũng như xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.

Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu- Ảnh 5.

Trong một vài năm trở lại đây, loại hình du lịch tâm linh nói chung và loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ mẫu nói riêng đang được quan tâm, khai thác. Đặc biệt, với hệ thống đền chùa dày đặc từ miền núi đến miền biển, cùng sự nổi tiếng “liêng thiêng”, là nơi hiển thánh thì việc kết nối giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với hoạt động du lịch là bước đi cần thiết để vừa phát huy hiệu quả giá trị di tích, vừa góp phần phát triển hoạt động du lịch của xứ Thanh.

Có thể thấy, việc gìn giữ, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu đang là đòi hỏi cần thiết trong đời sống hôm nay. Trong đó có vấn đề gắn kết giá trị tâm linh tín ngưỡng với kinh tế du lịch. Đây cũng là cách để nâng tầm giá trị, hiệu quả thiết thực của tài nguyên văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguồn: Chuyên mục Văn hóa nghệ thuật/TTV

Đánh giá post này: