Di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh cấp tỉnh hang Bàn Bù nằm cạnh Quốc lộ 45 thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê (nay là khu phố Vân Hòa, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc). Đây là quần thể di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp còn lưu giữ nhiều dấu tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV.
Nghi lễ hiến nước trong Lễ hội văn hóa – du lịch hang Bàn Bù. Ảnh: Khắc Công
Di tích lịch sử – văn hóa – thắng cảnh hang Bàn Bù bao gồm khu vực núi, hang động, suối nước, các di tích chùa Nán, đền thờ Mẫu Thoải, đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn. Dựa theo một số tư liệu còn lại tại đền thờ, trong Nhân dân cũng như các cứ liệu khảo sát, hang Bàn Bù là nơi tập hợp trú quân, nuôi quân và bảo vệ nghĩa quân Lam Sơn thoát khỏi nhiều cuộc truy quét của giặc Minh. Theo sử sách ghi lại, vào tháng 11 năm 1420, Bình Định vương Lê Lợi đã cử 3 tướng tâm phúc tinh thông thao lược là Lý Triện, Nguyễn Lý, Phạm Vấn mang theo quân sĩ đến hang Bàn Bù mai phục tiêu diệt giặc Minh. Khi quân Minh kéo đến, nghĩa quân bất ngờ xông ra tiêu diệt hàng ngàn tên địch, ngăn chặn ý định tiến quân của kẻ địch lên miền Tây xứ Thanh, vòng sang Ai Lao. Nhờ đó, nghĩa quân Lam Sơn có thêm thời gian củng cố lực lượng.
Ở Thanh Hóa, quân Minh bị tổn thất khá nặng, tinh thần của chúng ngày càng sa sút, bạc nhược sau thất bại ở Bàn Bù, Thị Lang, Quan Du, chúng phải rút lui về cố thủ ở thành Tây Đô và các đông lũy xung quanh để chờ viện binh. Nhân đó, nghĩa quân Lam Sơn đã mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp vùng Tây Bắc Thanh Hóa, Nhân dân các vùng lân cận cũng nổi dậy hưởng ứng vây đánh các đồn lũy của địch.
Sau khi đánh thắng giặc Minh, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua đã không quên những ngày nằm gai, nếm mật tại hang Bàn Bù và tin vào sự phù trợ của thần linh, nhà vua đã sắc phong cho dân làng phụng thờ Tĩnh Quang Ngọc Giám Thủy Lôi Lưu Thanh Thủy Thần (được hiểu là thần nước, Mẫu Thoải hay Mẹ nước). Đồng thời, ban sắc phong cho dân bản tổ chức ăn mừng chiến thắng vào ngày 18 và 19 tháng Giêng hàng năm.
Để tưởng nhớ công lao của Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, dưới chân núi Bàn Bù, người dân địa phương đã lập đền thờ vua Lê Lợi, khai quốc công thần Lê Lai, Nguyễn Trãi… và tướng sĩ có công đánh giặc. Các triều đại phong kiến về sau cũng nhiều lần ban sắc phong để Nhân dân địa phương thờ phụng thần nước, các vị tiền nhân và tổ chức lễ hội Bàn Bù.
Lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù là sinh hoạt văn hóa đặc sắc của huyện Ngọc Lặc được tổ chức vào dịp đầu xuân, nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời ghi nhớ công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của vua Lê Lợi và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Mở đầu lễ hội là nghi lễ rước nước biểu hiện một mối quan hệ mật thiết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng. Tiếp đó, là lễ thượng hương, lễ hiến nước và ông Ậu làm lễ theo nghi lễ truyền thống của dân tộc Mường. Phần hội với nhiều tiết mục văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: Múa pôồn pôông, hát xường giao duyên (đều đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), múa cây bông, phường chúc và các trò chơi, trò diễn dân gian, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Ông Phạm Đình Cường, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ngọc Lặc, cho biết: Với những giá trị văn hóa, lịch sử ấy, năm 2005, hang Bàn Bù đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng và được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa của khu di tích. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, những năm qua huyện Ngọc Lặc đã đầu tư xây mới, tôn tạo nhiều hạng mục công trình trong khu di tích, như: Thiền tự trúc lâm Bàn Bù; đền thờ vua Lê Thái Tổ và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn; đền Mẫu và nhiều hạng mục khác trong khu di tích, với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng. Qua đó, góp phần bảo tồn và nâng tầm giá trị văn hóa, lịch sử khu di tích, từ đó xây dựng thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Khắc Công