Nói đến Thạch Lập (Ngọc Lặc) là nói đến một xã ngập tràn màu sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Bởi, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan đẹp. Những ngọn đồi trải dài, những thác nước ngày đêm chảy và nhiều hang động còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ đang chờ đợi du khách đến khám phá.
Du khách thích thú tắm ở hang Quăn. Ảnh: C.A
Thạch Lập gây ấn tượng đến với du khách chính là cảnh sắc thiên nhiên yên bình, giữa màu xanh của núi đồi, rừng cây, thấp thoáng những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường tạo nên không gian yên ả, đậm đà bản sắc truyền thống. Hiện, toàn xã Thạch Lập có trên 93% dân số là người dân tộc Mường.
Theo sách “Lịch sử Đảng bộ xã Thạch Lập” (1963-2015), làng Đô Quăn, trước kia gọi là làng Quăn, được tách từ Mường Lập, Châu Ngọc. Từ khi nào không ai biết, trong làng có một cái hang, người gọi là hang Con, lại có người gọi là hang Quăn.
Cả xã Thạch Lập có chừng 4 – 5 cái hang thì riêng làng Đô Quăn có 3 hang động, gồm hang Quăn, hang Thông Gió và Bàn Cờ. Theo người dân truyền rằng, đây chính là nơi trú quân của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược nước ta vào thế kỷ XV và hang (Tẻng tré), hiện dấu vết còn khá rõ, rất có giá trị về lịch sử, văn hóa. Ngoài câu chuyện liên quan đến Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, ở hang Quăn còn nhiều sự tích và câu chuyện kỳ bí khác.
Giới thiệu với chúng tôi, trưởng thôn Đô Quăn, ông Lê Văn Lăng cho biết: “Chẳng nói đâu xa, trước năm 2016, thôn chúng tôi chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại và hệ thống đường giao thông cũng chưa làm xong. Để đi đến được làng, chỉ có một con đường duy nhất là xuyên qua những quả đồi cheo leo… Vào những ngày nắng ráo, bà con địa phương có thể đi lại bằng xe máy, nhưng vào những ngày mưa, đi bộ còn rất vất vả, chứ đừng nói đến đi bằng các phương tiện khác. Phần đa người dân là hộ nghèo và cận nghèo, đời sống vô cùng khó khăn, vất vả”.
“Dẫu chỉ cách trung tâm xã 4 – 5km, nhưng do nằm biệt lập trong một thung lũng, nên mọi thứ đều khó khăn. Song, đó là chuyện của những năm trước đây. Còn giờ đã khác rồi”, ông Lê Văn Lăng khẳng định.
Về thôn Đô Quăn hôm nay, mọi thứ đã đổi thay. Toàn thôn 100% là đồng bào dân tộc Mường với 54 hộ/250 nhân khẩu. Kể từ khi có điện và đặc biệt từ năm 2020, khi tuyến đường 518E chạy qua xã thì đời sống của bà con hoàn toàn khác. Giao thông đi lại thuận lợi cùng với sự phát triển của mạng xã hội, người dân vùng lân cận và khách du lịch biết đến xã Thạch Lập nhiều hơn. Mà đã đến Thạch Lập thì ai cũng phải đến hang Quăn.
Dòng nước trong vắt, hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên ở hang Quăn, thôn Đô Quăn, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc). Ảnh: C.A
Không gian thật thơ, thật đẹp, trước cửa hang những bạn trẻ đang thỏa sức nô đùa dưới làn nước trong vắt. Màu xanh của trời hòa sắc cùng màu nước, trang phục của các cô gái Mường và khách du lịch. Bà Phạm Thị Hải, người thôn Đô Quăn cho biết: “Thôn chúng tôi giờ đây lúc nào cũng có khách đến chơi, tắm mát. Càng ngày nắng nóng thì lượng khách càng đông”.
Cũng nhờ lượng khách ngày một nhiều hơn mà ngay gần hang các hộ gia đình ông/bà: Phạm Văn Hoàng, Hà Văn Thuận và Phạm Thị Trọng đã mở lán trại bán hàng. Nói với chúng tôi, bà Phạm Thị Trọng cho biết: “Dù khách chưa được như tính toán của chúng tôi, nhưng năng nhặt chặt bị cô ạ. Mỗi ngày một chút có đồng ra đồng vào, nuôi con cái”.
Không chỉ có các hộ dân ngay gần hang Quăn, mà hầu hết người dân trong thôn đã mở rộng chuồng trại nuôi gà, diện tích trồng lúa nếp, chăm chỉ đi bắt châu chấu, cá, ốc… về bán cho khách. “Khách không ở lại đâu, nhưng đã đến đây, họ cũng rất mong có chút quà nhỏ mang về gia đình. Nhiều thời điểm, hàng hóa “bản địa” không đủ phục vụ khách”.
Hang Quăn rộng trên 1.500m2 độ sâu khoảng 4 – 5m, lúc nào nước cũng dồi dào, mọi người có thể tắm và du thuyền ngắm cảnh hang động… Nước suối từ trong hang chảy ra trong vắt, mát lạnh. Là khách du lịch, chị Lê Thị Thủy cho biết: “Quê tôi ở ngay dốc Khế, thị trấn Ngọc Lặc. Năm nào cũng vậy, mỗi lần về thăm ông bà, tôi đều đưa các con lên Thạch Lập chơi. Sau khi chúng được vui đùa trên đồi Hích là cả gia đình lại vào hang Quăn cho bọn trẻ tắm mát. Bọn nó thích vì trước cửa hang là không gian bằng phẳng, nước có quanh năm, mùa hè mát rượi, đi vào giờ nào cũng tắm được”.
Khẳng định tiềm năng du lịch ở xã Thạch Lập là rất lớn, ông Phạm Văn Huy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thạch Lập ngày nay được hình thành từ 2 Mường lớn là Mường Yến và Mường Lập. Mường Lập xưa, Thạch Lập ngày nay được thiên nhiên ban tặng cho nhiều thắng cảnh đẹp như: ruộng bậc thang thấp trồng lúa nếp Củ Ngâu hay còn gọi là nếp hạt Cau, nếp trứng khe, khoai mán vàng, lợn mán, Khe Cha, hang Gió, hang Quăn… đến nay địa phương còn lưu giữ được hơn 800 nếp nhà sàn truyền thống và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường như: trang phục, ẩm thực, cồng chiêng, các làn điệu hát, múa, trò chơi dân gian… thích hợp để làm du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên ông cũng nêu ra không ít băn khoăn: Tiềm năng thì có, nhưng phát huy được là vô cùng khó. Không phải vì chưa có tính kết nối giữa các điểm du lịch trong địa bàn xã, mà chủ yếu vẫn là cơ sở hạ tầng chưa tốt, sản phẩm du lịch chưa hoàn chỉnh và người dân dù qua nhiều lớp tập huấn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Đó cũng là câu chuyện của hang Quăn. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp riêng có, nhưng người dân Đô Quăn nói riêng, Thạch Lập nói chung trước đây hay bây giờ vẫn chỉ biết tận hưởng thay vì đầu tư xây dựng, khai thác du lịch để phát triển kinh tế. “Dù khách khá đông vào mùa hè, nhưng có thể nói là giá trị kinh tế đem lại chưa cao. “Tính ra, nếu du khách về với Thạch Lập, đến thôn Lập Thắng ngắm nhìn những nếp nhà sàn, rồi lên đồi Hích ngắm mây và vào tắm thác… gần như không mấy người lưu trú, trừ khách Tây. Để giải bài toán phát triển du lịch cộng đồng ở Thạch Lập, cần thêm một khoảng thời gian nữa. Nhưng tôi tin rằng với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, sự lan truyền của mạng xã hội, Thạch Lập sẽ là điểm đến trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Chi Anh