Du lịch Thanh Hoá ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững

Trong những năm gần đây, Khu du lịch sinh thái Pù Luông, huyện Bá Thước là điểm sáng của loại hình du lịch cộng đồng không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh. Chính vì vậy, lượng khách qua hàng năm đều tăng trưởng vượt mức đề ra. Có những thời gian cao điểm nơi này còn quá tải. Do đó, công tác quản lý về mọi mặt của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng là bài toán đặt ra. Và dĩ nhiên, không nằm ngoài cuộc cách mạng 4.0, các đơn vị đã nhanh chóng tìm ra các giải pháp về công nghệ để tối ưu hoá vận hành, các dịch vụ đều đã được áp dụng các phần mềm quản trị.

Du lịch Thanh Hoá ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững- Ảnh 1.

Puluong Eco Garden là một ví dụ, đơn vị đã dùng phần mềm Kiot Việt trong quản lý lưu trú và phần mềm Smail trong dịch vụ ăn uống. Mỗi booking hay bill ăn uống được thực hiện theo quy trình tối giản nhất mà vẫn chính xác cao. Đặc biệt, nhà đầu tư dễ dàng nắm được các hoạt động kinh doanh bất cứ thời điểm nào.

Ông Đỗ Đức Mạnh, Quản lý Puluong Eco Garden, huyện Bá Thước cho biết: “Chuyển đối số là tất yêu và Puluong Eco Garden cũng vậy. Hiện tại, 100% chúng tôi đang sử dụng các phần mềm, có máy tính cho các bộ phận phục vụ cho chuyên nghiệp”.

Thời gian qua, Thanh Hoá cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa công nghệ vào hoạt động du lịch. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh được nhiều đơn vị thực hiện, triển khai mạnh mẽ hơn. Phần lớn các công ty du lịch hoạt động trên địa bàn Thanh Hoá, như Vietravel, Lê Gia, Vnplus Travel, Lạc Hồng… đều đã đưa các giải pháp công nghệ vào quản lý, xây dựng sản phẩm mới, giới thiệu điểm đến và hỗ trợ khách du lịch khi tìm hiểu về địa điểm vui chơi, mua sắm, nhà hàng, an ninh…

Du lịch Thanh Hoá ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững- Ảnh 2.

Đối với các cơ sở lưu trú, từ khi sử dụng phần mềm quản lý, các tiện ích từ phòng ở, ăn uống, bể bơi và các dịch vụ đi kèm khác đã được tích hợp đầy đủ trong chiếc thẻ phòng. Từ đó giúp khách hàng có sự riêng tư, chủ động sử dụng dịch vụ, cơ sở cũng giảm bớt nhân sự kiểm soát ở các khâu.

Ông Tạ Hồng Sáng, Tổng quản lý Flamingo Ibiza Hải Tiến City cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ vào trong tất cả các khâu, từ quản trị nhân sự đến mua sắm, đến vận hành hàng ngày, đặc biệt là truyền thông, các phần mềm khai báo lưu trú”.

Du lịch Thanh Hoá ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững- Ảnh 3.

Tại các di tích, khu, điểm du lịch đều ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Chẳng hạn, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản thành nhà Hồ… đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích. Bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng được xây dựng khiến việc tìm kiếm và truyền tải thông tin điểm đến cho du khách cũng trở nên dễ dàng hơn.

Du lịch Thanh Hoá ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững- Ảnh 4.

Anh Nguyễn Võ Hoàng, Công ty Du lịch Thái Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Tích hợp thông tin như thế này không chỉ giúp ích cho du khách mà chính với những người làm du lịch cũng có ích, khi chưa có cơ hội hiểu hết thì đây là kênh tuyệt vời để khai thác thêm“.

Những tiện ích ứng dụng công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như địa phương, đơn vị du lịch khi khách du lịch dễ dàng tiếp cận hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch. Nhìn một cách toàn diện, quá trình này giúp giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm chi phí và thời gian. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư tiết kiệm, có thể giúp doanh nghiệp đưa các sản phẩm tiếp cận với du khách. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết là đòi hỏi các đơn vị cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV

Đánh giá post này: