Giá thuê phòng trọ ở TP.HCM tăng 30% do thiếu hụt nguồn cung 

Tình trạng giá thuê phòng trọ tăng cao đang trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động tại TP.HCM. Với mức tăng 30% so với trước đây, nhiều người dân, đặc biệt là sinh viên, người có thu nhập thấp đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tìm kiếm nơi ở. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm gia tăng chi phí sinh hoạt, gây khó khăn cho việc lập nghiệp tại thành phố này.

Theo chia sẻ của chị Hà Thu, một công nhân làm việc tại KCN Tân Bình, giá thuê phòng trọ 25m2nơi chị ở đã từ 3,5 triệu đồng/tháng tăng lên 4 triệu đồng/tháng. Cùng với các loại phí như gửi xe và điện nước, chị Thu phải chi trả khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng cho chỗ ở. Chị cho biết: “Căn phòng này mình ở ba người, mỗi người phải mất 2 triệu đồng/tháng nhưng chi phí này vẫn khá cao so với điều kiện sống chật chội”.

Tương tự, anh Tuấn Hùng, một tài xế xe ôm công nghệ, cũng cảm nhận được áp lực từ việc tăng giá thuê nhà. Anh đang trả 2,3 triệu đồng cho một căn phòng dưới 20m2, trong khi mức giá trước đó chỉ là 2 triệu đồng. Anh chia sẻ rằng, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, việc tăng giá thêm vài trăm nghìn đồng cũng tạo ra áp lực tài chính không nhỏ.

Giá thuê phòng trọ ở TP.HCM tăng 30% do thiếu hụt nguồn cung

Giá thuê nhà trọ tại TP.HCM tăng vọt 30%

Chị Thu Trang, nhân viên văn phòng tại Quận 10, TP.HCM, cũng gặp khó khăn trong việc tìm thuê nhà trọ. Chị cho biết: “Giá thuê phòng trọ tăng quá nhanh. Ở quận Tân Bình, nhiều nhà trọ chất lượng tốt, diện tích 28-30m2, có giá từ 4,5-5 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1 triệu so với năm trước. Các phòng trọ dịch vụ đầy đủ tiện ích có giá từ 6-8 triệu đồng, còn phòng bình dân giờ cũng lên 3-3,5 triệu đồng.”

Đối với sinh viên, việc tìm phòng trọ tại TP.HCM cũng không khả quan hơn khi giá thuê tăng nhanh, đặc biệt là phòng trọ Quận 3, Quận 10, Quận Bình Thạnh và quận Tân Bình. Những căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp trở thành “ngôi nhà” chung của nhiều sinh viên tại đây. Việc tìm kiếm một chỗ ở phù hợp với túi tiền đã trở thành bài toán nan giải đối với những người đang theo học tại các trường đại học lớn. Đặc biệt, sinh viên từ các tỉnh xa không chỉ phải đối mặt với chi phí thuê phòng mà còn phải trang trải cho các khoản khác như ăn uống, đi lại và học phí.

Giá thuê phòng trọ ở TP.HCM tăng 30% do thiếu hụt nguồn cung

Căn phòng trọ chật chội trở thành “ngôi nhà” chung của sinh viên

Theo các báo cáo thị trường mới nhất, trong tháng 3/2024, nhu cầu tìm kiếm bất động sản cho thuê tại TP.HCM đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, lượt tìm thuê chung cư tăng 29%, nhà trọ tăng 33%, nhà riêng tăng 45% và nhà phố tăng đến 86%. Những khu vực có nhu cầu tìm thuê nhà trọ cao nhất bao gồm Tân Phú (tăng 55%), Tân Bình (tăng 41%) và Quận 7 (tăng 42%).

Trong tháng 4, mặc dù nhu cầu tìm thuê nhà giảm nhẹ 2% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhu cầu tìm thuê nhà trọ đã tăng thêm 6% so với tháng trước. Nguyên nhân chính của xu hướng này là do lãi suất vay mua nhà vẫn ở mức cao, khiến nhiều người có thu nhập trung bình không dám vay mua nhà. Điều này đã làm tăng tỷ lệ người dân chọn thuê nhà từ 26% vào nửa cuối năm 2023 lên 33% trong nửa đầu năm 2024.

Trong bối cảnh này, giá thuê nhà sẽ tiếp tục “nóng”, nhất là tại những khu vực gần khu công nghiệp, trường học và khu vực có nhu cầu cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi giá bất động sản tăng cao, tâm lý của người dân sẽ chuyển từ việc mua nhà sang thuê nhà, khiến cho phân khúc cho thuê trở thành lựa chọn phổ biến cho những người có thu nhập trung bình và thấp. Do đó, thị trường cho thuê phòng trọ tại TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển, mặc dù người thuê sẽ phải đối mặt với chi phí gia tăng.

Giá thuê phòng trọ ở TP.HCM tăng 30% do thiếu hụt nguồn cung

Nhu cần thuê nhà tại TP.HCM đang tăng trở lại

Tình trạng giá thuê phòng trọ tăng cao đang trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động, đặt ra nhiều thách thức cho người dân. Nguyên nhân chính là do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội như việc người lao động và sinh viên phải sống trong các phòng trọ chật chội, điều kiện kém gây hại cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nhằm xây dựng một thị trường nhà ở ổn định và bền vững.

TH

Đánh giá post này: