Những hạn chế, yếu kém, kể cả những sai phạm trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai đã được nhận diện và chỉ rõ. Để làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy lại niềm tin từ phía người dân, doanh nghiệp, nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với chính quyền các cấp và ngành chức năng là phải làm “đến nơi đến chốn” để những quy định đi đúng quỹ đạo.
Hoạt động xử lý hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phong Sắc
Mở “nút thắt” niềm tin
Cùng với sự nỗ lực thực hiện cam kết của “tư lệnh” ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) trước các đại biểu HĐND tỉnh và đông đảo cử tri, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã nghiêm túc thực hiện Kết luận 251/KL-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh và Kế hoạch số 182/KH-UBND của UBND tỉnh về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, việc cấp GCNQSDĐ cho người dân và doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ nét. Tình trạng hồ sơ quá hạn tuy chưa được khắc phục một cách triệt để bởi nhiều lý do, song từ con số hơn 11.000 hồ sơ quá hạn giảm còn hơn 1.000 hồ sơ quá hạn hiện nay cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Văn phòng đăng ký đất đai từ tỉnh đến cơ sở cũng như UBND các cấp.
Người dân và doanh nghiệp ở TP Sầm Sơn thực sự phấn khởi khi 6 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sầm Sơn tiếp nhận và xử lý hơn 8.300 hồ sơ nhưng chỉ có 35 hồ sơ quá hạn liên quan đến đăng ký, cấp GCNQSDĐ, 42 hồ sơ quá hạn liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm. Lòng tin của người dân đang dần được lấy lại kể từ sau vụ “ăn chia” tiền bất chính với số lượng lớn cán bộ, viên chức bị khởi tố. Ông Lê Chí Lợi, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sầm Sơn cho biết: “Trước “sự cố” về nhân lực xảy ra tại chi nhánh, 15 cán bộ quản lý, viên chức, người lao động từ các chi nhánh khác trong tỉnh đã sớm được điều động, luân chuyển về TP Sầm Sơn công tác. Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã bắt tay ngay vào công việc. Điều đầu tiên chi nhánh thực hiện là xác định rõ những khó khăn, tồn tại để bàn giải pháp khắc phục một cách sát thực, hiệu quả nhất. Trong đó, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính được đặc biệt coi trọng để mỗi cán bộ, viên chức thực sự liêm chính, tận tụy khi phục vụ Nhân dân. Cùng với đó, chi nhánh tập trung hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến để tạo sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác phối hợp giữa chi nhánh với phòng TN&MT thuộc UBND thành phố, chi cục thuế và các đơn vị liên quan để đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm thời gian giải quyết TTHC. Với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt và đồng bộ, việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp đã chuyển biến thật sự; đơn thư phản ánh giảm đáng kể; tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà đối với người dân không còn”.
Hoạt động xử lý hồ sơ của cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sầm Sơn. Ảnh: Tố Phương
Để Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi hoạt động, từ sau phiên chất vấn tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14, Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Ví như cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoằng Hóa đã chủ động gọi điện cho công dân sau khi giải quyết TTHC tại chi nhánh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công dân, từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Qua thống kê, những tháng gần đây chi nhánh đã thực hiện gần 200 cuộc điện thoại gọi cho công dân, đa phần đều nhận được phản hồi tích cực.
Nhận thấy “nút thắt” niềm tin của người dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ công chưa được cởi bỏ, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Quảng Xương đã sử dụng “chìa khóa” công khai, minh bạch, tận tụy để mở “nút thắt” và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông Vũ Việt Khoa, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Quảng Xương cho biết: “Quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chất lượng phục vụ, chúng tôi yêu cầu đội ngũ cán bộ, viên chức phải nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân, lấy hiệu quả hoạt động để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ của mỗi người. Cùng với đó, chi nhánh đã bố trí thêm một cán bộ chuyên môn làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC UBND huyện để tiếp nhận hồ sơ kịp thời và hướng dẫn, tư vấn miễn phí khi người dân, doanh nghiệp đến làm các thủ tục. Đặc biệt, chúng tôi công khai số điện thoại đường dây nóng của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện để tiếp nhận phản ánh của người dân”. Với sự định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt, 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện tiếp nhận 10.027 hồ sơ nhưng chỉ có 9 hồ sơ đã giải quyết quá hạn và 2 hồ sơ đang xử lý quá hạn thuộc trách nhiệm của UBND huyện.
Hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận “một cửa” huyện Quảng Xương. Ảnh: Phong Sắc
Không chỉ tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, ghi nhận của phóng viên tại một số địa phương cho thấy, bầu không khí đổi mới cùng sự quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành đã truyền “sức nóng” đến từng cán bộ, viên chức trong toàn ngành, để tất cả cùng thay đổi, cùng hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Ông Lê Hồng Tới, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nông Cống cho biết: “Hơn 3 năm qua, cùng với việc tham mưu cho UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện ban hành trên 2.500 văn bản chỉ đạo, điều hành, phòng TN&MT huyện phối hợp tốt với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ lần đầu để hạn chế đến mức thấp nhất số hồ sơ TTHC phải trả lại cho cá nhân, hộ gia đình”.
Khẳng định cam kết của ngành đã có bước chuyển rất tích cực, tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 7/2024, Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm cho biết: “Sở TN&MT đã đổi mới lại lề lối làm việc, từ thực hiện quản lý hành chính sang mô hình trực tiếp quản trị, sát việc, theo dõi việc cụ thể và đã có những tín hiệu tích cực”. Tư lệnh ngành TN&MT nhấn mạnh: “Chúng tôi đã “cải tổ” lại bộ máy thì chắc chắn việc cấp GCNQSDĐ sẽ được đẩy nhanh. Những phiền hà, sách nhiễu và tiêu cực trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ giảm”.
Theo thống kê, từ ngày 1/6/2023 đến 1/6/2024, Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa tiếp nhận và xử lý 241.293 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai. Trong đó, 4.805 hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp đã được giải quyết đúng hạn (đạt 100%). Đối với 236.488 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân, số giải quyết đúng hạn là 206.518 hồ sơ (đạt 99,5%). Dù số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt rất cao. Như vậy, sau 1 năm thực hiện cam kết tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ hồ sơ quá hạn đã giảm 5 lần so với cùng kỳ”. |
Sự cải thiện đáng kể này cũng đã được đại biểu HĐND tỉnh Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh – người từng có những phản hồi “gay gắt” về việc giải quyết TTHC liên quan đến đất đai ghi nhận. Ông Đoan chia sẻ: “Nhìn lại 1 năm các đại biểu chất vấn và tranh luận với phần trả lời của Giám đốc Sở TN&MT, tôi thấy công tác giải quyết TTHC của ngành đã có nhiều thay đổi đáng khích lệ. Tình trạng trên thì đùn đẩy, dưới thì né tránh, “tiêu cực hóa” đã từng bước được giải quyết. Các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai được thực hiện minh bạch và rõ ràng hơn. Nếu mỗi ngày một tiến bộ như thế này, tôi tin rằng những nỗ lực của toàn ngành sẽ được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao”.
Nhấn mạnh những giải pháp căn cơ để tạo nên bước chuyển trong lĩnh vực này, đồng chí Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: “Sau chất vấn, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, đồng thời giao UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa rà soát lại số liệu, tiến hành phân loại, làm rõ các trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ để giải quyết với kế hoạch, lộ trình cụ thể. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số tổ chức, cá nhân vi phạm để tạo sức răn đe cho cả tỉnh. Cùng với đó, HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn và thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Sở TN&MT, các địa phương trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc chậm cấp GCNQSDĐ cho người dân đến nay đã có sự thay đổi rất đáng ghi nhận”.
Tạo dựng giá trị mới
Vui mừng, phấn khởi trước những con số ấn tượng về sự thay đổi, song không vội hài lòng hay thỏa mãn với kết quả đạt được, bởi một số hạn chế, khuyết điểm vẫn còn tồn tại đòi hỏi ngành chức năng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải nghiêm túc nhìn nhận, hành động quyết liệt hơn nữa. Để tạo dựng những giá trị mới, các cấp, các ngành cần tiếp tục phân tích, “mổ xẻ” những việc đã làm được, chưa làm được. Từ đó, lập kế hoạch triển khai kỹ lưỡng, bài bản với quyết tâm cao nhằm khơi thông những “điểm nghẽn” còn hiện hữu.
Công tác chỉ đạo, điều hành được đặt lên hàng đầu – đó chính là yếu tố “tiên quyết” cho sự thành – bại của mọi sự thay đổi. Với tâm thế đó, nhiều giải pháp mới đã được triển khai đồng bộ và toàn diện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, đảm bảo hiệu quả. Vấn đề là hành động của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng như thế nào để “bắt đúng mạch nguồn”, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền hướng dẫn, phục vụ Nhân dân.
Ban Kinh tế – Ngân sách giám sát kết quả thực hiện Kết luận số 251 của HĐND tỉnh về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại huyện Hà Trung. Ảnh: Phong Sắc
Ở bất cứ giai đoạn nào cũng vậy, nếu người đứng đầu có quyết tâm đến mấy mà bộ phận tham mưu và người thực thi nhiệm vụ không vào cuộc tích cực, không thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu thì không thể hiện thực hóa được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Do đó, việc khơi thông “điểm nghẽn” phải bắt đầu từ yếu tố con người. Về nhiệm vụ này, ông Đào Ngọc Đức, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa cho biết: “Ngoài xây dựng vị trí việc làm, trong tháng 5/2024, Sở TN&MT đã điều động, bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh. Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cũng đã luân chuyển lãnh đạo quản lý tại 4 chi nhánh trực thuộc; tăng cường, biệt phái 43 người; điều động 19 người làm việc tại các chi nhánh trực thuộc; kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và chi nhánh thuộc các huyện Ngọc Lặc, Nông Cống, Thường Xuân, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn… để nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Giải pháp này sẽ thường xuyên được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân”.
Một trong những giải pháp nhiều người thường ví nó như “thanh bảo kiếm” để thực thi công lý là phải xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Việc buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, chưa tương xứng với mức độ vi phạm, không đủ tính răn đe sẽ làm tăng số đối tượng vi phạm. Không thể xóa “tận gốc” tình trạng nhũng nhiễu nếu không kiên trì và kiên quyết. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ phải được thực hiện thường xuyên và liên tục. Từ công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, uốn nắn kịp thời những vi phạm, sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân bởi những phản ánh, kiến nghị từ Nhân dân sẽ giúp các cơ quan chức năng sớm phát hiện các hành vi sách nhiễu, tiêu cực ở cơ sở.
“Hiện nay, Ban Kinh tế – Ngân sách đang giám sát kết quả thực hiện Kết luận số 251 của HĐND tỉnh về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Sau khi có kết quả, Thường trực HĐND tỉnh sẽ xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân để đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết, sẽ thực hiện tái chất vấn đồng chí Giám đốc Sở TN&MT; tái thực hiện phiên giải trình và tái giám sát việc thực hiện Kết luận số 251, tập trung vào những nội dung trọng điểm, phức tạp, khó giải quyết nhằm tạo sự hài lòng từ phía người dân. Qua đó cũng khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương” – đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. |
“Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ”, các sở, ngành, các địa phương đang triển khai nhiều mô hình, cách làm mới chưa có trong tiền lệ. Trong đó, mô hình “Ngày thứ 7 tình nguyện giúp Nhân dân giải quyết TTHC” hay việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đăng ký cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người dân. Đặc biệt, các sở, ngành, các địa phương đang đi đúng hướng khi mạnh dạn “trao quyền” đo lường, đánh giá mức độ hài lòng cho người dân. Qua đó đã làm thay đổi về nhận thức, tư duy, lề lối, tác phong làm việc và xây dựng phong cách trọng dân, gần dân, gia tăng trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Những giải pháp này cần tiếp tục được phát huy và nhân rộng trong thời gian tới.
Bàn về công tác phối hợp để tạo nên những giá trị mới trong thực thi công vụ, Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm nhấn mạnh: “Sở TN&MT đã chủ động phân công Giám đốc, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh làm việc trực tiếp với lãnh đạo một số huyện có giao dịch nhiều để thấy rằng việc cấp GCNQSDĐ lần đầu chậm không phải trách nhiệm riêng của Văn phòng Đăng ký đất đai mà là cả trách nhiệm của chính quyền cấp huyện”. Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm cho rằng: “Phải xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác phối hợp như UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan thuế. Từ đó mới có thể đẩy nhanh hoặc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp”. Mục tiêu cuối cùng trong công tác phối hợp là tạo ra sự thống nhất, đồng thuận, thể hiện được trách nhiệm, bảo đảm được chất lượng và hiệu quả công việc. Do đó, vấn đề mà tư lệnh ngành TN&MT muốn nhấn mạnh là hoàn toàn có cơ sở.
Cấp GCNQSDĐ không phải là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề “nóng” khi nhận được sự quan tâm thường xuyên của cử tri và Nhân dân. Việc đưa vấn đề này ra chất vấn tại nghị trường cho thấy tinh thần nhìn thẳng, nói thật của HĐND và trách nhiệm của các đại biểu dân cử trước cử tri.
Sau hơn 1 năm thực hiện cam kết của Tư lệnh ngành TN&MT tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang dần được tạo dựng. Để hình thành vững chắc tư duy phục vụ trong đội ngũ cán bộ, viên chức, từng cấp, từng ngành và từng cá nhân cần nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi “trên dưới đồng lòng” và những quy định đi vào quỹ đạo thì mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng sẽ thành công.
Phong Sắc – Tố Phương