Từ cuối năm 2023 trở lại đây, sự phục hồi của thị trường tiêu thụ quốc tế là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực may mặc, giày da khôi phục lại sản xuất và việc làm cho người lao động. Không ít DN thời gian qua liên tục phải tuyển dụng lao động mới để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký kết. Cộng đồng DN may mặc, giày da cũng đang có những nỗ lực mới nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất ngày càng khắt khe của thị trường, hướng tới tối ưu hóa lợi nhuận DN.
Tổng Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất các đơn hàng theo phương thức FOB.
Đơn hàng tăng, việc làm bảo đảm
Công ty TNHH may Thiệu Đô có trụ sở tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) với tổng diện tích nhà xưởng 3,8ha. DN hiện có 10 dây chuyền may áo sơ mi và 6 dây chuyền may quần áo vest sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Theo đại diện DN này, đón trước nhu cầu phục hồi của thị trường, năm 2023 DN đã tập trung nguồn vốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc hiện đại. Từ đầu năm đến nay, công ty sản xuất được gần 1,4 triệu áo sơ mi, 240 bộ vest, với doanh thu đạt 4,3 triệu USD. Đơn hàng trong thời gian tới cũng đã được ký kết bảo đảm công việc tới tháng 5/2025. DN hiện đang tạo việc làm ổn định cho 1.100 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt gần 8 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có gần 300 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động. Cùng với đó, trong lĩnh vực giày da có 27 DN giải quyết việc làm cho khoảng 133.000 người.
Mặc dù từ nửa cuối năm 2022 đến nay thị trường tiêu thụ chính của ngành may mặc, giày da Thanh Hóa là Hoa Kỳ và các nước EU suy giảm mạnh, song các DN đã chủ động tiếp cận thêm một số thị trường mới như châu Á, nhất là Đông Nam Á… Đồng thời đa dạng hóa mặt hàng; chấp nhận đơn hàng giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động. Từ những giải pháp linh hoạt đã mang lại những kết quả khả quan cho các ngành công nghiệp này trong năm 2024.
Điển hình như tại Công ty TNHH May 888 (Quảng Xương), từ cuối năm 2022 khi thị trường Mỹ và EU sụt giảm sản lượng tiêu thụ, cùng với chấp nhận thêm các đơn hàng nhỏ, đơn hàng giảm giá, DN đã phát triển thêm và thành công khi chinh phục thêm 8 khách hàng ở châu Á, mang lại sản lượng tăng 20% so với năm 2023.
Theo số liệu từ Cục Thống kê, 7 tháng năm 2024 trong lĩnh vực may mặc, các DN đã sản xuất được 391,7 triệu sản phẩm, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, càng về cuối năm, sản lượng sản xuất tăng trưởng cao và ổn định hơn so với những tháng đầu năm. Trong lĩnh vực giày da, sản lượng sản xuất trong 7 tháng cũng đạt 153,6 triệu đôi, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Thay đổi để tồn tại
Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc về số lượng đơn hàng, ngành may mặc, giày da Thanh Hóa vẫn đối diện với nhiều thách thức, như giá đơn hàng hiện chưa khôi phục so với trước thời điểm suy thoái năm 2022, trong khi các chi phí đầu vào đều tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Cùng với đó, gần đây các nước nhập khẩu lớn liên tiếp đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, tuần hoàn, bảo đảm trách nhiệm xã hội và môi trường của DN. Đây là những thách thức mới và sẽ liên tục cập nhật theo xu thế mà các DN phải nỗ lực nghiên cứu, đầu tư để thích ứng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuân Lâm, dù là “trung tâm may mặc, giày da” của Bắc Trung bộ, nhưng ngành may mặc Thanh Hóa mới đáp ứng tốt tiêu chí về giải quyết việc làm. Lợi nhuận sản xuất đối với DN chưa cao do chủ yếu sản xuất theo phương thức CMT (gia công), phụ thuộc vào đơn vị nhập khẩu từ mẫu thiết kế đến nguyên phụ liệu và phương thức vận tải. Trong hiệp hội, hiện đã có một số DN đi đầu trong chuyển đổi sản xuất may mặc sang sản xuất FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) hay số ít đã “thử nghiệm” sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn là ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), như: Tổng Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn, Công ty TNHH may Huệ Anh… với lợi nhuận các đơn hàng này tăng gấp 3 lần so với sản xuất gia công.
Tiến dần tới đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, tuần hoàn, bền vững và thân thiện với môi trường, theo yêu cầu của các đối tác nhập khẩu, một số DN đã chủ động trang bị các tiêu chuẩn nhà máy từ trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH May 888 Lê Văn Bắc, cho biết: “Một số khách hàng khó tính từ Nhật Bản luôn có những yêu cầu cao trong sản xuất xanh, sạch, an toàn cho người lao động. Vì vậy, từ khuôn viên nhà máy tới hệ thống đèn, các tiêu chuẩn an toàn về không khí luôn được DN chú trọng bố trí. Cùng với đó, DN cũng đầu tư hệ thống tiết kiệm năng lượng đầu vào trong sản xuất. Ngoài ứng dụng năng lượng mặt trời, chúng tôi còn nghiên cứu thêm các giải pháp lò hơi đốt vải để tái tạo năng lượng, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác”.
Với quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 10 – 15% trong năm 2024, các DN đang tiếp tục tăng cường tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ để hợp tác các đơn hàng phù hợp với năng lực sản xuất của các nhà máy; đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Về lâu dài, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Trịnh Xuân Lâm chia sẻ: Chúng tôi đang khuyến khích DN nghiên cứu, khắc phục các thách thức từ nguồn nguyên liệu tới vốn, trình độ quản lý, nguồn nhân lực để tiếp cận với trình độ sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất ngày càng cao hơn. Theo đó, trước mắt DN cần nhanh chóng tham gia vào các chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trong nước và nội khối các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để được hưởng các ưu đãi thuế. Đồng thời, nhanh chóng chuyển dần từ phương thức gia công xuất khẩu sang sản xuất FOB hay cao hơn là ODM, thậm chí mạnh dạn làm OBM (xây dựng thương hiệu cho đến tạo mẫu thiết kế, tìm nguyên liệu đầu vào, gia công sản phẩm và chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng) phù hợp quy mô và năng lực của từng DN”.