Ngày 28/9, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với UBND huyện Thường Xuân tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả Dự án “Liên kết chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân” từ nguồn vốn của Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.
Hiện nay, số gà được hỗ trợ đang sinh trưởng, phát triển ổn định.
Tháng 6/2024, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với UBND huyện Thường Xuân và đơn vị chủ trì liên kết là HTX Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Vinaco lựa chọn 61 hộ dân trên địa bàn xã Xuân Lộc để triển khai dự án liên kết chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức chức tập huấn về quy trình, kỹ thuật chăn gà, phương thức liên kết bao tiêu sản phẩm trong sản xuất cho các hộ dân. Dự án đã trao 3.479 con gà ri giống và hơn 11,8 tấn thức ăn hỗn hợp cho 61 hộ dân địa phương.
Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Đình Tuấn và các thành viên đoàn công tác làm việc với UBND xã Xuân Lộc và đại diện người dân tham gia dự án.
Theo báo cáo của đơn vị chủ trì liên kết, sau hơn 2 tháng triển khai, số gà được hỗ trợ đang sinh trưởng, phát triển ổn định, bảo đảm các yêu cầu của dự án. Đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả xã hội thiết thực cho người dân.
Tại buổi kiểm tra, đánh giá dự án, các thành viên trong đoàn công tác đã kiểm tra hiện trạng, đánh giá mức độ dự án, như sau: mô hình gà sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 95%; trọng lượng đến khi xuất chuồng bình quân đạt hơn 2 kg/con. Các hộ đều duy trì được tỉ lệ sống của đàn gà. Hiện nay, đã có một số đơn vị nhà hàng liên hệ, triển khai liên kết tiêu thụ sản phẩm gà ri cho các hộ thực hiện mô hình.
Các thành viên đoàn công tác và hộ chăn nuôi đều nhận định đây là mô hình hỗ trợ sản xuất triển vọng, cần nhân rộng tại địa phương.
Các đại biểu và hộ chăn nuôi tham gia dự án đều nhận định đây là mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với sản xuất đại trà. Đồng thời, mong muốn được tham gia, nhân rộng trong thời gian tới trên địa bàn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Lê Hoà