Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp hiệu quả giữa trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Từ đó, tiết kiệm được chi phí chăm sóc, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp và mang lại hiệu quả bổ trợ cho nhau.
Trang trại tổng hợp tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Khu đồng Ngâu, xã Nam Giang (Thọ Xuân) hiện có 14 hộ dân đầu tư phát triển kinh tế, hầu hết là trang trại tổng hợp với tổng diện tích trên 35ha. Các trang trại duy trì đàn lợn từ 1.000 đến 1.500 con, đàn gia cầm khoảng 30.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 20ha; trồng cây ăn quả 3ha; ao sen kết hợp thủy sản 2ha.
Bà Lê Thị Oanh, một trong những hộ dân tiên phong xây dựng trang trại tại khu đồng trũng này, cho biết: “Vốn là nơi thường xuyên bị ngập lụt nên để xây dựng trang trại tổng hợp có hiệu quả, cần chú ý lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ thưỡng, không kỵ nhau, phải vốn đầu tư lớn, có kiến thức tổng hợp về chăm sóc, phòng bệnh cho các loại cây, con; thiết kế trang trại khoa học để mỗi loại cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, mang lại năng suất, chất lượng cao”. Cũng theo bà Oanh, nông nghiệp là ngành nghề có yếu tố rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường… Vì vậy, muốn thành công không thể áp dụng theo kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi phải cập nhật khoa học – kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế, trang trại của bà Oanh không chỉ đa dạng sản phẩm nông nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tiết kiệm được nhiều loại chi phí, các sản phẩm của trang trại luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt, được các thương lái đến tận nơi thu mua, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc), chị Hà Thị Yên là một trong những điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp với trang trại tổng hợp đa dạng các loại cây, con. Với ý tưởng trồng trọt kết hợp chăn nuôi, ngay từ khi bắt đầu xây dựng trang trại, chị Yên đã chia ô vuông để ngăn cách khu nuôi lợn, gà và khu trồng rau, cây ăn quả, diện tích đất đồi trồng dứa gai. Theo chị Yên: “Đối với gia đình tôi, thời điểm đó được xem là quyết định khá “táo bạo” bởi chưa có kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, số vốn đầu tư thì hạn chế. Tôi đã đầu tư xây dựng khu chuồng riêng biệt để nuôi lợn, gà; sử dụng đệm lót sinh học để xử lý mùi hôi của chất thải, giảm chi phí nhân công; máng nước, máng ăn tự động; nhất là, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải để hạn chế ô nhiễm môi trường và phòng, tránh dịch bệnh”.
Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp không còn xa lạ với người dân tại các địa phương, hầu hết được thiết kế khoa học, tận dụng quỹ đất hợp lý để kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Các mô hình ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư lắp đặt các máy móc hiện đại như hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, hệ thống làm mát chuồng trại, bể biogas… để bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh. Hầu hết, các trang trại tổng hợp đều có doanh thu từ 1,5 tỷ đồng trở lên/trang trại/năm. Tuy nhiên, đây là mô hình cần có vốn đầu tư và quỹ đất lớn, cùng kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi nên các địa phương cần hỗ trợ người dân lựa chọn cây, con phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tại địa phương; ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa nhằm tạo quỹ đất liền kề để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân… tạo tâm lý yên tâm để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
Bài và ảnh: Lê Ngọc