Linh thiêng phủ Tía

Tại khu vực núi Tía, thuộc địa phận làng Vân Cổn, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) có một phủ thờ bà Triệu, còn gọi là phủ vua Bà hay phủ Tía, từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây xưa kia từng là tiền đồn của nghĩa quân Bà Triệu, chống lại quân xâm lược nhà Ngô.

Tương truyền, khi vượt sông Chu đến vùng núi Nưa xây dựng căn cứ, dấy binh khởi nghĩa chống giặc Ngô, Bà Triệu có đến đất làng Vân Cổn (xã Vân Sơn, Triệu Sơn ngày nay). Tại đây, nghĩa quân đã dừng lại nghỉ ngơi dưới chân ngọn núi Tía, quan sát thấy địa thế thuận lợi, Bà Triệu đã cho lập tiền đồn tại đây nhằm kiểm soát mọi hoạt động trước khi vào khu căn cứ chính tại núi Nưa. Vì vậy, để tưởng nhớ công đức của Bà Triệu, sau khi bà mất, Nhân dân trong vùng đã xây dựng phủ thờ, thành kính chăm lo việc khói hương.

Phủ Tía nằm trên cổ rùa nhìn thẳng ra vùng đồi Xuân Tiên, giữa một vùng phong cảnh hữu tình. Trong phủ còn lưu giữ một số hiện vật cổ như: thánh vị, bát hương, hương án… Trải qua các triều đại, nhân vật được thờ tại phủ Tía được phong sắc nhiều lần, đến nay còn lưu giữ 36 đạo sắc phong. Có một điều đặc biệt, phủ Tía đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, nhưng dù là diện mạo xưa hay khi đã xây dựng, tu bổ, tôn tạo, kiến trúc phủ Tía bao giờ cũng được xây dựng theo chữ Cao: Hậu cung hai gian dọc, chính Tẩm ba gian rộng, hai bên hai dãy nhà gọi là dải vũ.

Linh thiêng phủ Tía- Ảnh 1.

Bên cạnh gian chính thờ Bà, phủ Tía còn có gian thờ Mẫu – là một tín ngưỡng bản địa, một nét đẹp văn hoá lâu đời của người Việt. Cùng với gian thờ chính và gian thờ Mẫu, phía sau đền có một giếng nước cổ tự nhiên, gọi là giếng Tiên hay giếng mắt rồng. Nước trong mát quanh năm, gặp năm hạn hán nguồn nước cũng không bao giờ cạn. Theo người dân địa phương, giếng cổ này có từ rất lâu, khi pha trà dùng nước thoảng mùi hoa sen. Trải qua biến thiên của thời gian, thăng trầm lịch sử, phủ xưa không còn, tuy nhiên, những truyền thuyết, huyền thoại gắn với công lao của Bà Triệu vẫn mãi là khúc ca đẹp được người dân nơi đây truyền tụng, ngợi ca.

Linh thiêng phủ Tía- Ảnh 2.

Năm 1993, với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu, phủ Tía được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Linh thiêng phủ Tía- Ảnh 3.

Phủ Tía không đơn thuần là địa điểm sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng. Hơn hết, đây là nơi giáo dục, lan tỏa nét đẹp văn hoá lịch sử truyền thống của làng, xã gắn với công lao, đóng góp của tiền nhân. Đó là hành trang, là nguồn động lực để mỗi người xã Vân Sơn nói riêng và Triệu Sơn nói nói chung, luôn ý thức nỗ lực, phấn đấu, cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Nguồn: Chuyên mục Thanh Hóa đi để yêu/TTV

Đánh giá post này: