Lò cao kháng chiến Hải Vân – Chứng tích một thời đạn lửa

Nằm trong hang đá ở thị trấn Bến Sung, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân là chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lò cao kháng chiến Hải Vân, hay còn gọi là lò đúc gang NX3, được xây dựng trong hang núi Đồng Mười, thuộc thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh. Mặc dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng lò đúc được xem như kỳ tích của ngành quân giới Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi từng sản xuất 500 tấn gang đúc vũ khí phục vụ chiến đấu.

Lò cao kháng chiến Hải Vân – Chứng tích một thời đạn lửa- Ảnh 1.

Theo tài liệu lịch sử, năm 1947 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã chuyển sang giai đoạn cam go ác liệt, các trận đánh lớn nhỏ diễn ra rộng khắp trên các vùng miền của Tổ quốc. Lúc này Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho Cục Quân giới (Bộ Quốc Phòng) nghiên cứu, xây dựng và vận hành các lò cao luyện gang, tạo các phôi thép cung cấp cho các công binh xưởng sản xuất vũ khí, trang bị cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh Pháp.

Trước nhiệm vụ cấp bách ấy, Sở Khoáng chất kỹ nghệ (Trung bộ) và Cục Quân giới (Việt Bắc) đã phối hợp quyết định chọn vùng rừng núi Như Xuân (tức Như Thanh và Như Xuân ngày nay) làm địa điểm xây dựng công xưởng. Năm 1949, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, địa điểm thung lũng Đồng Mười, xã Hải Vân (nay thuộc thị trấn Bến Sung), huyện Như Thanh được chọn làm điểm xây dựng lò cao.

Lò cao kháng chiến Hải Vân – Chứng tích một thời đạn lửa- Ảnh 2.

Từ đó, lần lượt các lò cao mang tên NX1, NX2 ra đời để phục vụ chiến đấu. Tuy nhiên, cuối năm 1953, địch dò được xưởng cơ khí bí mật của ta, chúng ra sức dội bom bắn phá. Trước tình thế ấy, ta đã quyết định di chuyển ngay vào trong hang đá Đồng Mười, xây dựng thành công lò cao NX3 và tiếp tục sản xuất. Việc xây dựng hệ thống lò cao to lớn và cồng kềnh trong lòng núi rất phức tạp về kỹ thuật và chưa có tiền lệ trên thế giới, song các kỹ sư và công nhân vẫn quyết tâm thực hiện bằng được. Lò khánh thành đúng dịp quân và dân ta giành chiến thắng oanh liệt tại đèo Hải Vân. Sau chiến thắng này, lò cao NX3 chính thức được đổi tên thành lò cao kháng chiến Hải Vân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa không chỉ là nơi cung cấp phần lớn sức người, sức của và lực lượng quân chủ lực cho chiến dịch mà còn là nơi cung cấp nguyên, vật liệu và đặt các xưởng sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến. 

Lò cao kháng chiến Hải Vân – Chứng tích một thời đạn lửa- Ảnh 3.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngoài nhiệm vụ đảm nhận vai trò hậu phương chiến lược, cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa còn là địa phương có nhiều công binh xưởng sản xuất vũ khí. Trong hai năm 1953 – 1954, cả nước có 42 xưởng cơ giới sản xuất súng đạn do Bộ Quốc phòng và Liên khu 4 quản lý thì thì có 15 xưởng đặt tại các địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Các xưởng đã sản xuất được nhiều loại vũ khí cung cấp cho bộ đội như súng DKZ, cối, thủy lôi, mìn…

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay, Lò Cao kháng chiến Hải Vân NX3 vẫn sừng sững như một bảo tàng sống động về một chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam đã và đang được bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị; trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguồn: Chuyên mục Thanh Hoá đi để yêu/TTV

Đánh giá post này: