Tính đến tháng 9/2024, huyện Hậu Lộc có 555 tàu cá, trong đó có 206 phương tiện khai thác xa bờ được ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như máy dò cá, máy định vị khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Toàn huyện có gần 3.000 lao động tham gia khai thác thủy sản trên biển.
Huyện Hậu Lộc tuyên truyền cho chủ tàu cá tại xã Ngư Lộc các quy định chống khai thác IUU.
Năm 2024, huyện Hậu Lộc phấn đấu đạt tổng sản lượng 50.220 tấn thủy sản trở lên, trong đó sản lượng khai thác 35.020 tấn, các tháng vừa qua, huyện đã tăng cường quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm khai thác bền vững, bảo vệ môi trường. Khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; xử lý nghiêm tàu cá không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hàng hóa. Quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm gắn với củng cố, kiện toàn các tổ, đội sản xuất trên biển nhằm phát huy hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của chủ tàu, thuyền viên, tính đoàn kết cộng đồng, hỗ trợ nhau sản xuất trên biển và cứu hộ, cứu nạn. Huyện cũng phối hợp với các ngành cấp tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên hoạt động thường xuyên trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Dịch vụ hậu cần nghề cá được các cơ sở, hộ ngư dân, các chủ tàu dịch vụ hậu cần trên biển và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, đã từng bước hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Toàn huyện có 3 cơ sở đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu thuyền đủ điều kiện. Các cơ sở này đang tiếp tục tái đầu tư mở rộng, nâng cấp thiết bị, công nghệ đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, khai thác thủy sản hiệu quả.
Trong tháng 9/2024, huyện Hậu Lộc đã tổ chức đợt tuyên truyền, vận động cao điểm tại các xã ven biển để chủ tàu thực hiện các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các phòng, ban của huyện đã phối hợp với 6 xã ven biển Hậu Lộc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của quốc tế về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý, ngư dân và các chủ tàu cá trên địa bàn về các quy định IUU, góp phần sớm khắc phục xong cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, từng hộ ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ, nắm chắc và cam kết việc tuân thủ thực hiện các quy định về phòng, chống, chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đặc biệt là cộng đồng ngư dân ven biển, các thành phần kinh tế có liên quan để động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện, ngăn chặn, tố giác hành vi của các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các quy định chống khai thác IUU.
Hiện nay, trên địa bàn huyện, toàn bộ tàu cá vi phạm mất kết nối trên biển đã được lập biên bản làm việc và có biện pháp xử lý với từng trường hợp. Những tàu thiếu các thủ tục, hồ sơ, như: giấy phép khai thác, giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm… đang được bổ sung, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9. Đối với 48 tàu cá hoạt động sai nghề, huyện đã và đang làm việc với chủ phương tiện để hoàn thiện thủ tục theo quy định. Đến ngày 26/9, UBND huyện Hậu Lộc phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc, UBND các xã ven biển Hậu Lộc kiểm tra, kiểm soát phát hiện 35 phương tiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản, trong đó có 8 tàu cá trên 15m, 27 tàu cá dưới 15m. Phối hợp làm việc với 17 chủ tàu, thuyền trưởng, phát hiện phương tiện tàu cá vi phạm. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là thuyền viên làm việc trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, không có văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá, không bố trí đủ định biên tàu cá theo quy định… Tổng mức phạt của các hành vi là gần 50 triệu đồng. Hiện nay các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp, làm việc với các chủ phương tiện còn lại.
Trong thời gian tới, huyện Hậu Lộc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác thủy sản như quy hoạch tổng thể ngành nông-lâm-thủy sản trên địa bàn chi tiết đến từng xã, từng vùng, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cơ sở. Vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng thủy sản về cơ chế, quỹ đất sản xuất, cơ sở hạ tầng vùng nuôi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao; triển khai sâu rộng Luật Thủy sản 2017 đến chính quyền và người dân; kiểm soát tốt tàu thuyền khai thác hải sản…
Kết quả, ước 9 tháng năm 2024 tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Hậu Lộc đạt 38.150 tấn, bằng 75,79 % kế hoạch, tăng 5,44% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 27.200 tấn. Thu nhập lao động nghề cá trên địa bàn huyện tương đối ổn định. Nhiều tàu cá tham gia khai thác xa bờ, cho hiệu quả kinh tế khá cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bài và ảnh: Thu Hòa