Nơi ghi dấu 100 ngày chuyển quân ra Bắc

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, đánh dấu sự kết thúc của chặng đường đấu tranh lâu dài và gian khổ đi tới độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Khi đó, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, là nơi đào tạo cán bộ, chiến sĩ cho cách mạng miền Nam.

Nơi ghi dấu 100 ngày chuyển quân ra Bắc- Ảnh 1.

Bến Bắc Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam bộ để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, quay trở về phục vụ cách mạng miền Nam.

Nơi ghi dấu 100 ngày chuyển quân ra Bắc- Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang, Nguyên Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Tháp

Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang, Nguyên Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Cuộc tập kết chia làm 3 đợt, 80 ngày ở Hàm Tân – Xuyên Mộc, 100 ngày ở Cao Lãnh đây, 200 ngày ở Cà Mau. Tàu của chúng tôi xuất phát từ Cao Lãnh đi ra đến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, vì tàu lớn nên không thể cập bến, người dân phải đưa những chiếc tàu nhỏ để đón vào.”

100 ngày tập kết chuyển quân ở thị trấn Cao Lãnh khi ấy như một ngày hội lớn, là ngày hội đoàn kết chiến thắng của Nhân dân. Vượt qua niềm thương nhớ quê hương, những người con miền Nam quyết “đi vinh quang”, chung tay đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc.

Ông Lê Hữu Lượng, Nguyên chuyên viên Ban Nội chính Trung ương

Trong bức thư có tựa đề “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” được đăng trên Báo Nhân dân số 229 – ngày 22/9/1954, Bác Hồ đã nhắn nhủ, thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc: “đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà” (Trích thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc, đăng trên Báo Nhân dân số 229, ngày 22/9/1954).

Nơi ghi dấu 100 ngày chuyển quân ra Bắc- Ảnh 3.

Lời động viên kịp thời của Bác Hồ đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng ngọn lửa đoàn kết dân tộc, để rồi những con tàu xuất phát từ miền Nam chở hơn hàng trăm nghìn đồng bào, chiến sĩ, học sinh ra miền Bắc với mong muốn: “Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Nơi ghi dấu 100 ngày chuyển quân ra Bắc- Ảnh 4.

Đại tá Nguyễn Văn My, Nguyên Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7

Đại tá Nguyễn Văn My, Nguyên Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7 chia sẻ, lúc bấy giờ thì những bà mẹ, các chị lớn, rồi mấy em thiếu niên đều ra tiễn đưa, khóc rất nhiều. Ra đi gặp đồng bào thì giơ 2 ngón tay, mà bộ đội mình cũng giơ 2 ngón tay.

Thời hạn 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh cũng khép lại. Ngày 29/10/1954, chuyến tàu cuối cùng chở những người con ưu tú của miền Nam rời Cao Lãnh để tập kết ra miền Bắc. Người đi, người ở đều đồng loạt đưa 2 ngón tay hẹn người thân sau 2 năm sẽ trở về đoàn tụ. Ấy thế mà, lời hẹn trở thành 21 năm dài đằng đẵng. Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền Nam. Còn người “ở anh dũng”, giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nơi ghi dấu 100 ngày chuyển quân ra Bắc- Ảnh 5.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV

Đánh giá post này: