Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) được coi là “thánh địa” của vương triều Hậu Lê và là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên xanh mát với núi, rừng, sông, đan xen hòa hợp, cùng những công trình kiến trúc đặc sắc được tạo tác bởi những bàn tay, khối óc tài hoa của các nghệ nhân xưa… tất cả góp phần tạo nên một Lam Kinh đầy sức sống, “níu chân” du khách tìm về.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút du khách bởi vẻ đẹp uy nghi, cổ kính.
Những ngày này, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn thu hút đông đảo du khách tìm về tham quan, dâng hương, tưởng niệm. Trong không gian thoang thoảng nhang trầm là tiếng chuông vang vọng lại từ những tòa Thái miếu, mang đến cho du khách cảm giác vừa thư thái, vừa an yên đến lạ. Con đường dẫn vào khu di tích đẹp tựa như bức tranh “sơn thủy hữu tình”, với dòng sông Ngọc thơ mộng, uốn lượn như một dải lụa xanh, vào mùa nước cạn du khách đến đây còn có thể thấy cả những viên sỏi đá dưới đáy sông tròn trịa, lung linh ánh lên màu nắng, tục truyền rất quý, rất thiêng. Bắc ngang qua dòng sông Ngọc là cầu Bạch cong cong, duyên dáng, được bao phủ bởi những cây cổ thụ xanh mát xung quanh. Cách đó chừng 50m là giếng Ngọc – nơi cung cấp nước cho Lam Kinh. Giếng Ngọc trong xanh và đầy nước quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống. Trước đây, giếng được trồng hoa sen, đến mùa sen nở trông rất đẹp và thơ mộng. Đây cũng được đánh giá là một trong những giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Vẻ đẹp của Lam Kinh không chỉ điểm xuyết qua bức tranh thiên nhiên với lối kiến trúc xanh đa tầng, đa sắc màu, mà còn là ở những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dáng dấp của một diện mạo kinh đô cổ xưa. Trong đó, nổi bật nhất là Chính điện Lam Kinh – nơi diễn ra các nghi thức long trọng, trang nghiêm ca ngợi, tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ và vương triều Hậu Lê trong lịch sử. Theo các nguồn tài liệu ghi chép lại, Chính điện Lam Kinh đã bị cháy tới 3 lần. Sau nhiều thế kỷ hoàn toàn là phế tích, những gì hậu thế còn biết về Chính điện chỉ là những chân tảng đá lớn, nằm trơ trọi trên nền móng cũ. Đến năm 2010, Chính điện Lam Kinh được khởi công phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng hiện còn, với tổng diện tích 1.662m2. Đây là công trình điêu khắc gỗ tỉ mỉ, công phu, sử dụng tới hơn 2.000m3 gỗ lim và hàng chục thợ lành nghề, hệ thống hoa văn kiến trúc cột, mái, bình phong, vật dụng bên trong Chính điện không chỉ cho thấy sự kỳ công, khéo léo của người thợ, mà còn là sự phản ánh đầy đủ và chân thực vẻ đẹp kiến trúc cung đình thời Lê.
Một điểm nhấn trong bức tranh văn hóa, lịch sử của Lam Kinh phải kể đến 5 tấm văn bia đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Các tấm văn bia đều có tuổi đời trên 500 năm, là pho sử liệu về cuộc đời của các vị vua, hoàng hậu, mà bất cứ du khách nào đến đây cũng đều muốn tìm hiểu, khám phá, trong đó, nổi bật nhất là bia Vĩnh Lăng. Đây là tấm bia cổ nhất, có giá trị đặc sắc nhất ghi lại thân thế, sự nghiệp và công đức to lớn của vua Lê Thái Tổ, đồng thời đúc kết đường lối đấu tranh của nghĩa quân Lam Sơn trong 10 năm kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn gấm vóc. 4 bảo vật quốc gia khác là bia Chiêu Lăng (bia Lê Thánh Tông), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Dụ Lăng (bia Lê Hiến Tông) và bia Kính Lăng (bia vua Lê Túc Tông). Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, các văn bia tại đây vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, là chứng tích của một thời kỳ vàng son, cũng là tấm gương phản chiếu để thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn thân thế, sự nghiệp, khát vọng của các yếu nhân trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đến với Lam Kinh, du khách còn được khám phá những câu chuyện hết sức ly kỳ. Đó là câu chuyện cây lim hiến thân. Chuyện kể rằng, trong rừng Lam Kinh có cây lim cổ thụ khoảng 600 năm tuổi đang xanh tốt, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá, dần trở thành cây khô không còn sức sống. Đặc biệt là thời gian cây trút lá trùng với thời điểm dự án phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt và cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Câu chuyện này khiến nhiều người tin rằng cây lim này đã tự nguyện “hiến thân” để phục dựng tòa Chính điện.
Sự tích cây ổi cười cũng luôn kích thích trí tò mò của du khách mỗi khi đến đây. Cây ổi nằm trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Đến tham quan cây ổi cười, nếu du khách nắm tay vào cành cây ổi và nhắm mắt tĩnh tâm, thì sẽ có cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản, giống như có một luồng năng lượng, sinh khí được truyền qua cây ổi vào người. Còn nếu du khách lấy ngón tay xoa nhẹ vào mắt, vùng lõm trên thân cây thì đầu lá sẽ rung lên từng hồi từng nhịp, khi không xoa nữa thì lá sẽ đứng yên. Người ta gọi hiện tượng lá rung là cây ổi đang “cười” để chào đón du khách về với Lam Kinh.
Mỗi di tích, hay mỗi một cây xanh, câu chuyện ở Lam Kinh đều mang “vẻ đẹp” riêng và cũng là một thông điệp của quá khứ gửi tới thế hệ hôm nay và mai sau về lòng tự hào dân tộc. Để rồi, đến với Lam Kinh hôm nay du khách không chỉ được sống trong không gian văn hóa đặc biệt, ngược dòng về quá khứ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, mà còn được chiêm ngưỡng, khám phá những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, hài hòa.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt