Phát huy tiềm năng rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

Với trên 4000 ha rừng nguyên sinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên chứa đựng sự đa dạng sinh học rất cao, trong đó có nhiều loài động thực vật đặc hữu được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Phát huy tiềm năng rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái - Ảnh 1.

Đến với Xuân Liên, du khách có cơ hội được khám phá những khu rừng già trên đỉnh núi cao, với quần thể cây sa mu hàng nghìn năm tuổi, được trải nghiệm các thác nước đẹp hoặc đi thuyền ngắm cảnh trên hồ Cửa Đạt, chèo thuyền kayak. Một điểm đến du lịch xanh đang dần hình thành rõ nét. Mỗi năm nơi đây đón trên 2500 lượt khách đến thăm quan.

Phát huy tiềm năng rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia Việt Nam

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia Việt Nam cho biết: “Mới đi sẽ rất mệt nhưng khi vào rừng mọi mệt mỏi sẽ tan biến hết, không khi trong lành. Khi đến khu rừng này có những mọi người thấy sự khác biệt nhiều cây gỗ lớn, nhắm mắt này nghe tiếng chim và tiếng ve sẽ thấy vô cùng tuyệt vời”.

Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh có tổng diện tích hơn 200ha, trong đó có trên 100ha rừng tự nhiên lâu năm. Theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 300-400 loài thực vật, trong đó có tới 80 loài gỗ quý như: lim, lát, dổi, de, vù hương và nhiều loài dược liệu quý. Đặc biệt, có 13 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam. Sự hòa quyện giữa rừng cây cổ thụ xanh mát với các di tích lịch sử đã mang tới những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Anh Nguyễn Xuân Ngọc, Du khách đến từ huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Là một du khách chúng tôi thấy ở đây một hệ sinh thái rất hài hòa, con người ta sống rất gần với thiên nhiên. Với khu di tích Lam kinh như thế này du khách nên đến ít nhất một lần để trải nghiệm để về với vùng cố đô của đất nước”.

Phát huy tiềm năng rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái - Ảnh 3.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 648 ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở Vườn Quốc gia Bến En, 3 khu bảo tồn thiên nhiên: Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông và 2 khu bảo tồn loài Nam Động, Sến Tam Quy, 8 ban quản lý rừng phòng hộ và 11 khu bảo tồn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Nơi nào cũng có những đặc trưng riêng để phát triển du lịch. Phát huy lợi thế đó, Thanh Hóa đã phát triển được 30 khu du lịch sinh thái có rừng.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm Thanh Hóa thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến các điểm du lịch sinh thái và các điểm di tích có rừng.

Phát huy tiềm năng rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái - Ảnh 4.

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân cho biết: “Xuân Liên là một trong những đơn vị bảo tồn được công nhận sớm đề án phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc thủ tục đầu tư thu hút thuế môi trường rừng. Chúng tôi đang kì vọng tới đây sửa đổi Nghị định 156 về hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp để thu hút đầu tư phát triển hơn nữa về du lịch”.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đơn vị tăng cường kiểm tra an ninh rừng đảm bảo sự nguyên vẹn của khu bảo tồn, tránh như tác động xấu vào tài nguyên rừng. Thứ 2 là tham mưu cho Chi cục kiểm lâm phối hợp với các cơ quan đầu ngành điều tra, đánh giá các hệ động thực vật đảm bảo phát hiện các loại mới cũng như củng cố nguồn gien của các loại cũ đã nghiên cứu. Đồng thời quảng bá, giới thiệu để hu hút các nhà khoa học, các đoàn tham quan thám hiểm rừng đến với khu bảo tồn”.

Phát huy tiềm năng rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái - Ảnh 5.

Rừng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn có tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác… Vì vậy, các địa phương, đơn vị có rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần có định hướng phát triển đúng đắn và phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến rừng và môi trường tự nhiên, nhằm gia tăng lợi ích của rừng đối với cuộc sống của con người.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV

Đánh giá post này: