Chiếc vòng bằng vàng này là một kỉ vật vô cùng thiêng liêng đối với gia đình bà Nguyễn Bích Lan đang sinh sống tại Thành phố Cần Thơ. Đó là kỉ vật mà má chồng cô đã từng trao lại cho chồng cô là Đại tá Hồ Vinh Quang khi ông lên tàu ra Bắc tập kết vào năm 1954. Kỉ vật này đã được gia đình bà Lan trao tặng lại cho Bảo tàng Cà Mau. Đến thời điểm này, Bảo tàng tỉnh Cà Mau cũng đã tiếp nhận và tập hợp được trên 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày vào tháng 11 tới đây.
Bà Nguyễn Thị Bích Lan, Học sinh miền Nam tại TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi nghĩ rằng, mình sẽ không bao giờ tiếp tục giữ mãi đến đời con, đời cháu nó cũng chỉ biết là giữ thôi nên không ý nghĩa gì. Nên nhân dịp 70 năm bảo tàng sưu tầm nên tôi gửi cho bảo tàng để sau này con cháu có về nhìn thấy vật kỉ niệm này của bà nội”.
Để chuẩn bị cho kỉ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Vĩnh Phúc tổ chức sưu tầm và trưng bày gần 300 hình ảnh, hiện vật về quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 đến 1975 tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau triển lãm, Ban liên lạc học sinh miền Nam tiếp tục kêu gọi cựu học sinh miền Nam tại nhiều tỉnh thành tiếp tục trao tặng hàng trăm tư liệu, hiện vật và hình ảnh cho Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Ban liên lạc Học sinh miền Nam tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi nghĩ, mình giữ cũng được, nhưng giờ mình già rồi gửi lại cho bảo tàng để giáo dục thanh niên, học sinh. Ban liên lạc học sinh miền Nam cũng đã kêu gọi các thành viên gửi lại các kỉ vật, kỉ niệm, để trước mắt kỉ niệm cho 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc”.
Bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị, như: Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Thanh Hóa và rất nhiều cơ quan đơn vị khác để chia sẻ thông tin về học sinh miền Nam. Chúng tôi tập trung ghi âm, ghi hình các nhân chứng để thấy trong những năm tháng chiến tranh các thế hệ “hạt giống đỏ” đã vươn lên trưởng thành xứng đáng và là động lực cho thể hệ trẻ sau này”.
Trong nhiều tháng qua, Bảo tàng Thanh Hóa đã sưu tầm được gần 400 tài liệu, tư liệu hiện vật, kỷ vật và hình ảnh có giá trị liên quan đến quá trình đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống, học tập, công tác và làm việc trên đất Bắc từ năm 1954 đến năm 1975. Các tài liệu, tư liệu hiện vật, kỉ vật và hình ảnh này sẽ được trưng bày theo 6 chủ đề tại Khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Đây là điểm nhấn trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Trịnh Định Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây 70 năm, lại trải qua thời kỳ chiến tranh nên các tư liệu, hiện vật gần như thất lạc, các nhân chứng lịch sử lại ở nhiều nơi, nhiều khu vực… Chúng tôi phải vào nhiều tỉnh ở phía Nam, các tỉnh ở phía Bắc và đến các bảo tàng trong cả nước để tìm kiếm và sưu tầm”.
Khối lượng đồ sộ các tài liệu, tư liệu hiện vật, kỷ vật và hình ảnh mà các bảo tàng trong cả nước sưu tầm được sẽ phục vụ cho đợt cao điểm kỉ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Kho tàng hiện vật vô giá này sẽ được các bảo tàng gìn giữ và phát huy để giáo dục cho thế hệ sau về giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng thể hiện sâu sắc nhất tinh thần đại đoàn kết của dân tộc.