Mặc dù gần bước sang tuổi 75 nhưng ông Hoàng Kiên Cường, ở phố Cửa Tả, thành phố Thanh Hoá vẫn nhớ như in từng con đường, góc phố, từng lối mòn nhỏ quanh co bên Hồ Thành xanh rợp bóng cây… của thị xã Thanh Hoá xưa kia. Ông cũng rất đỗi tự hào về khu phố – nơi gia đình ông đang sinh sống – được mang tên Cửa Tả – cái tên gắn liền với lịch sử Thành Hạc hơn 200 năm trước.
Ông Hoàng Kiên Cường chia sẻ: “Dấu tích thành cũ xưa chỉ còn một số nơi. Trong tâm trí của chúng tôi muốn khôi phục lại ít nhiều di tích lịch sử của cha ông, để con cháu biết được thế nào là Thành Hạc, thế nào là thành cổ của người Thanh Hoá; cha ông ta đánh giặc như thế nào… để con cháu lấy tấm gương đó phát triển đất nước giàu mạnh hơn“.
Mùa xuân năm 1804, Vua Gia Long chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hoa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương về làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, gọi là Hạc Thành và cho xây dựng thành theo hình lục lăng, có hào bao quanh mặt ngoài với 4 cửa. Năm 1841, Vua Thiệu Trị đổi tên trấn thành Thanh Hoa thành Thanh Hóa. Đến nay, những công trình, dấu tích của trấn thành Thanh Hoa không còn nữa nhưng những tên đường, tên phố Cửa Tiền, Cửa Hậu, Cửa Tả, Hàng Đồng… vẫn gợi lại lịch sử vàng son của Thành Hạc xưa.
Dưới thời thuộc Pháp, năm 1929, người Pháp quyết định thành lập thành phố Thanh Hóa, là một thành phố cấp 3; sau Cách mạng tháng 8 thành công, năm 1945, chuyển thành thị xã Thanh Hóa. Năm 1994, thị xã Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố Thanh Hóa với 15 phường; và đến năm 2014, thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I.
Hành trình phát triển từ Thành Hạc – thị xã Thanh Hoá đến thành phố Thanh Hoá ngày nay vừa tròn 220 năm. Nhưng những trầm tích văn hoá, lịch sử của đô thị tỉnh lỵ này được bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước. Đây là cái nôi của người Việt cổ với di tích núi Đọ, nay thuộc địa phận xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa và phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hoá, là nơi xuất hiện và chứng kiến buổi bình minh của lịch sử dân tộc; cũng là nơi khai sinh nền văn hóa Đông Sơn – một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất của nhân loại, với đỉnh cao là kỹ nghệ chế tác đồng thau, mà tiêu biểu phải kể đến di vật trống đồng Đông Sơn.
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Văn minh, văn hoá và không gian văn hóa ở đây kết hợp với những giá trị cổ xưa từ văn minh núi Đọ với văn minh Đông Sơn, làm nên cái cốt cách của người Thanh Hoá. Theo bản thân tôi thì bản sắc của cốt cách con người Thanh Hóa ở đây chính là bản sắc của sự tín nghĩa, sáng tạo, cố kết và ý thức giữ gìn, bảo tồn những gì đã có và đang có”. PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cũng cho biết: “Tôi quen các bạn nước ngoài, khi hỏi các bạn ấy, các bạn ấy chỉ nói mấy câu thôi: Việt Nam – Văn hoá Hoà Bình, Văn hoá Đông Sơn. Hai nền văn hoá nổi tiếng nhất của Việt Nam; chúng ta đã tuyên truyền để các nước bạn, ngày nay cần tiếp tục tuyên truyền để các bạn trẻ thấy yêu mảnh đất này hơn, quý trọng mảnh đất này hơn và bằng mọi giá phải bảo vệ mảnh đất này”.
Phát triển từ nền văn hóa cổ, các thế hệ người dân thành phố Thanh Hoá đã dựng xây nên bề dày lịch sử, cách mạng vẻ vang; thời kỳ nào cũng có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng ngời của chí anh hùng, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Thành phố có trên 230 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, có gần 100 di tích được xếp hạng; tiêu biểu như Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; Thái miếu nhà Hậu Lê… Trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với khai thác, phát triển du lịch; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc và luôn xem đây là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 15/12/2024