UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản về việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Ảnh minh họa.
Vật liệu xây dựng (VLXD) bao gồm xi măng, thép xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây và các loại VLXD khác có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở trong thiết kế và phát triển đất nước. Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ VLXD tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành VLXD nước ta nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất, tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước cũng như của địa phương.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD trong thời gian tới; đồng thời thực hiện tốt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển VLXD.
Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu bổ sung hoặc đề xuất bổ sung các mỏ khoáng sản mới làm VLXD vào quy hoạch (bao gồm quy hoạch khoáng sản Trung ương và địa phương), nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung VLXD trên địa bàn tỉnh hiện tại và tương lai.
Kịp thời, hướng dẫn các quy định về sử dụng vật liệu trong công trình xây dựng đảm bảo theo quy định như: Hướng dẫn các doanh nghiệp VLXD thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD,… Trong quá trình tham gia ý kiến tham mưu hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất VLXD, có ý kiến cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành để cân nhắc, đánh giá tránh việc đầu tư dư thừa, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội; Tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời xem xét, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong các quy định của pháp luật về điều tra địa chất khoáng sản, thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vôi công nghiệp, thép xây dựng và VLXD.
Phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về thuê đất đối với dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD trong nước có chất lượng thay thế VLXD nhập khẩu, thân thiện môi trường, các sản phẩm VLXD chế biến sâu để xuất khẩu theo cơ chế, chính sách hiện hành; các dự án đầu tư trạm nghiền, trạm phân phối xi măng ở những địa phương không sản xuất được clanhke và có nguồn phụ gia, tận dụng được tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.
Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa phục vụ các dự án đầu tư xây dựng và phục vụ khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD. Đồng thời, khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất VLXD cần cân nhắc kỹ để tránh việc đầu tư dư thừa, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Phối hợp với đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phòng chống thiên tai để tăng lượng sử dụng xi măng, sắt thép và các VLXD khác. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN làm chủ đầu tư, đảm bảo sớm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về thuê đất đối với dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD trong nước có chất lượng thay thế VLXD nhập khẩu, thân thiện môi trường, các sản phẩm VLXD chế biến sâu để xuất khẩu theo cơ chế, chính sách hiện hành;…
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa phục vụ các dự án đầu tư xây dựng và phục vụ khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn.
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa và đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ hàng hóa VLXD kinh doanh, lưu thông trên địa bàn quản lý; thu hồi, xử lý hoặc kiến nghị thu hồi, xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa VLXD đang kinh doanh, lưu thông trên thị trường nhưng không có nguồn gốc xuất xứ, không công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.
Ban Quản lý dự án khu vực, chuyên ngành, chủ đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, xem xét lựa chọn phương án mặt đường bằng bê tông xi măng trong các dự án đường giao thông nông thôn, miền núi, khu vực địa hình khó khăn, độ dốc lớn và tại những vùng, khu vực thường xuyên bị ngập nước; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng để xử lý nền đất yếu (tại khu vực đầu cầu, cống, các vị trí có chiều cao đắp lớn, các vị trí có chiều sâu đất yếu lớn,…) nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Các doanh nghiệp VLXD đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất. Đa dạng hoá sản phẩm VLXD, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau; tăng cường sản xuất các sản phẩm VLXD thay thế nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm VLXD với nhiều nước trên thế giới…
TS (Nguồn: UBND tỉnh)