Vàng nhẫn “cháy hàng” khi giá lập kỷ lục, mua thêm 1 chỉ phải chờ cả tiếng

Giá vàng nhẫn chứng kiến đà tăng phi mã suốt một tuần nay, vọt lên 83 triệu/lượng, lập kỷ lục. Ghi nhận của phóng viên Dân trí cho thấy người dân tiếp tục đổ xô mua vào, giao dịch sôi động khiến không ít nơi “cháy hàng”.

Lùng sục mua vàng nhẫn khi giá tăng dựng đứng

Nguyễn Ngọc Hiền, nhân viên văn phòng (quận 7, TPHCM), kể mấy ngày nay thấy giá vàng nhẫn liên tục lập kỷ lục, nghe người quen nói mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng nữa nên cô ghé cửa hàng SJC tại quận 3 để tìm mua vàng nhẫn trơn.

Tuy nhiên, khi đến nơi, cửa hàng này thông báo chỉ cho phép mỗi người mua tối đa 0,5 chỉ cho mỗi giao dịch. “Nếu muốn mua thêm 0,5 chỉ nữa thì phải chờ xếp hàng thêm ít nhất 30 phút nữa. Như vậy mua 1 chỉ vàng là tốn cả tiếng đồng hồ rồi”, Hiền nói.

Ngày hôm sau đó, cô cũng tiếp tục tới cửa hàng SJC để mua thêm vàng thì cửa hàng đã tăng hạn mức lên mỗi người một chỉ, nhưng ai đến sớm thì mới có hàng, còn không thì phải chờ ngày tiếp theo mới có thể mua được.

Theo khảo sát, chiều ngày 27/9, nhiều người mua vàng nhẫn trơn thương hiệu lớn nhưng không có. Chỉ một số tiệm vàng thương hiệu nhỏ có nhẫn trơn để bán, nhưng số lượng không nhiều.

Tại các cửa hàng PNJ, DOJI ở quận 5, quận 10… ở TPHCM đều không có vàng nhẫn trơn để bán. Theo nhân viên bán hàng ở đây, nguồn cung vàng nhẫn khan hiếm từ nhiều tháng qua. Các cửa hàng cũng có số lượng vàng nhẫn khác nhau tùy thuộc theo lượng người đến bán ra. Tuy nhiên, lượng người bán ra cũng tương đối ít so với lượng người tới mua vào.

Phóng viên Dân trí liên hệ số điện thoại tổng đài của một số thương hiệu lớn thì được thông báo vàng miếng SJC, nhẫn trơn đều hết hàng trên toàn hệ thống và chỉ còn vàng trang sức.

Vàng nhẫn cháy hàng khi giá lập kỷ lục, mua thêm 1 chỉ phải chờ cả tiếng - 1

Vàng nhẫn “cháy hàng” khi giá lập kỷ lục (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong khi đó, một số cửa hàng vàng thương hiệu nhỏ lẻ thì vẫn có vàng nhẫn trơn để bán với thương hiệu của mình. Tại một số cửa hàng nhỏ ở đường Nguyễn Duy Dương – chợ An Đông (quận 5), chợ Thiếc, chợ Tân Định (quận 1), vàng nhẫn trơn có giá bán thấp hơn so với các thương hiệu lớn khoảng 300.000-700.000 đồng/lượng – quanh mốc 82,5-83 triệu đồng/lượng.

Ở Hà Nội, việc vàng nhẫn có dấu hiệu khan hàng cũng diễn ra. Tại một cửa hàng vàng lớn trên phố Cầu Giấy, khách hàng được hướng dẫn ngồi chờ theo số thứ tự mà tiệm vàng này phát. “2 hôm nay tôi đi mua vàng thì mỗi ngày đều có khoảng 30-40 phiếu. Chậm một bước là phải đợi đến nhiều tiếng sau, có khi sang hôm sau họ mới mở bán lại vàng nhẫn”, anh Đình Tùng chia sẻ.

Các cửa hàng lớn hầu như không có vàng nhẫn để bán ra nếu người dân đi mua vào buổi chiều. Chỉ số ít khách hàng kịp mua trong phiên sáng, còn lại các cửa tiệm chỉ thu mua lại chứ không bán ra. “Nhiều cửa hàng phải giới hạn số lượng người mua theo từng ngày. Có đơn vị giới hạn chỉ được mua tối đa 5 chỉ vàng nhẫn”, chị Ngọc Hiền thông tin sau 2 ngày liên tiếp đi mua vàng nhẫn.

Anh Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tìm mua vàng nhẫn trên phố Trần Nhân Tông. Anh chia sẻ, đến một cửa hàng lớn được bảo vệ ra hỏi mua hay bán vàng nhẫn, nếu bán thì có thể thao tác được ngay còn nếu mua thì sẽ phải đợi.

Vàng nhẫn cháy hàng khi giá lập kỷ lục, mua thêm 1 chỉ phải chờ cả tiếng - 2

Bảng giá vàng cách đây 9 tháng, giá vàng nhẫn đã tăng 30% (Ảnh: Mạnh Quân).

Trước đó, đại diện Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) cũng có chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng định hướng chiến lược của PNJ vẫn là bán lẻ, bán sỉ trang sức. Về cơ bản, hoạt động kinh doanh sỉ, lẻ trang sức vẫn là nguồn doanh thu chính của công ty. Do đó, công ty này không quá chú trọng trong việc trữ vàng miếng, vàng nhẫn để đáp ứng đủ, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.

“Thị trường vàng như một quả bong bóng”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thị trường vàng đang được chia làm 2 phân khúc là vàng nhẫn và vàng miếng SJC. Thị trường vàng miếng đang được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ, Ngân hàng Nhà nước giao việc bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại… các đơn vị bán “nhỏ giọt”, ít người có thể mua được.

Ông Hiếu nói, thị trường vàng như một quả bong bóng “bóp đầu này thì phình đầu kia”, khi thị trường vàng miếng bị kiểm soát, thì thị trường vàng nhẫn trở nên sôi động và bị đẩy giá lên mức cao. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của người dân Việt Nam hiện rất lớn, người dân xem vàng như tài sản tích trữ, tài sản tiết kiệm.

Ngoài các yếu tố trong nước, giá vàng quốc tế trong những phiên gần đây cũng liên tục lập đỉnh, có thời điểm tiệm cận mốc 2.700 USD/ounce, quy đổi sang 1 lượng vàng miếng SJC chưa bao gồm thuế phí cũng hơn 80 triệu đồng/lượng. Giá kim loại quý bị tác động sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm 0,5% lãi suất, từ đó làm giảm giá trị của đồng bạc xanh, mà vàng tính bằng USD sẽ làm tăng giá vàng.

Hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, nhiều nhà đầu tư vẫn đang đợi giá vàng lên cao hơn để bán.

“Nếu thị trường vàng nhẫn vẫn tiếp tục tạo nên cơn sốt, ông Hiếu cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp. Trong trường hợp người dân đổ tiền vào vàng nhẫn như đã từng với vàng miếng hồi tháng 5, tháng 6 vừa qua, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, tạo áp lực lên tỷ giá, lạm phát”, ông Hiếu nêu.

Vàng nhẫn cháy hàng khi giá lập kỷ lục, mua thêm 1 chỉ phải chờ cả tiếng - 3

Bên trong một tiệm vàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Hiện tại, giá vàng nhẫn và giá vàng miếng chiều thu mua được Công ty SJC niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng. Với chiều bán, giá vàng nhẫn là 83 triệu đồng/lượng còn vàng miếng là 83,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, không ít nhà vàng vẫn thu mua cao hơn vàng miếng SJC vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng mỗi lượng.

So với đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 20 triệu đồng, tương đương mức sinh lời trên 31%. Trong khi đó, vàng miếng ghi nhận mức tăng chỉ khoảng 13%.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc giá vàng nhẫn cao sát với giá vàng miếng là khá bất thường. Thực tế, không thể so sánh vàng miếng với vàng nhẫn, bởi một loại được kiểm soát, một loại thì chưa. Tuy nhiên, vàng miếng vốn có tính thanh khoản cao hơn, lại có thương hiệu vàng quốc gia SJC, tính ưu việt rất nổi trội. Còn vàng nhẫn thì các thương hiệu đồng đều và cạnh tranh nhau.

Thực tế, đây không phải lần đầu thị trường ghi nhận tình trạng vàng nhẫn “cháy hàng”. Tình trạng này xuất phát từ lực cầu mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế, từng diễn ra vào dịp sau Tết Nguyên đán và vía Thần Tài.

Cuối năm ngoái, Hiệp hội Kinh doanh vàng từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp hàng đầu là SJC, DOJI, PNJ, mỗi đơn vị nhập khẩu 500kg vàng để chế tác nữ trang. Nhưng tới nay, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận.


Source link

Đánh giá post này: