Trong tín ngưỡng của người Việt, Rồng được tôn sùng là biểu tượng tâm linh may mắn, gắn liền với những điều thiêng liêng, cao quý. Đền Rồng là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ cây, muông thú.
Đền Rồng là tên gọi theo vị trí đền tọa lạc ngay sát chân núi Rồng. Đền có địa thế “tựa sơn, hướng thủy” với các công trình: Nghi môn, sân, nhà Mẫu, đền Đức Ông, nhà thờ Phật, nhà kho. Phong cảnh xung quanh đền thực sự là sơn thủy hữu tình, chứa đựng một không gian thơ mộng, nhưng cũng đầy tính thiêng.
Đền Nước là nơi thờ Mẫu Thoải hay còn được gọi là Mẫu Đệ Tam, cai quản vùng sông nước. Đền nằm ngay phía trước hang đá, nơi đầu nguồn của dòng suối Khe Năn quanh năm nước trong mát. Khuôn viên đền Nước gồm các hạng mục: sân, đền chính, động sơn trang.
Theo sử sách nghi lại, 2 ngôi đền này được Nhân dân xây dựng từ thế kỷ XVI. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 1993, Đền Rồng, Đền Nước, xã Hà Long được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh của Thanh Hóa.
Những năm gần đây, con suối dưới chân đền Nước bỗng xuất hiện một đàn cá hàng ngàn con có trọng lượng khoảng từ 2-6 kg. Đàn cá có hình dáng lạ mắt, vây, miệng có màu hồng, thân cá có màu lấp lánh ánh vàng. Cá sống trong hang, ngày ngày bơi ra dòng nước quanh đền ở một đoạn suối Khe Năn dài hơn 100m và thức ăn chính là lá cây.
Làn nước trong xanh nhìn thấu tận đáy, với đàn cá lên tới cả nghìn con bơi lội tung tăng cạnh một ngôi đền thiêng. Cảnh sắc kỳ thú này chắc chắn sẽ khắc sâu vào tâm trí du khách mỗi dịp hành hương về nơi đây.
Nguồn: Thanh Hóa đi để yêu/TTV