Từ thị trấn Lang Chánh đi lên theo tuyến đường biên giới khoảng 30 km, chúng ta sẽ đến với xã Yên Thắng – vùng đất cổ của người Thái đen Thanh Hóa và là nơi gắn liền với lễ hội Mường Đeng.
Nghệ nhân Lò Viết Lâm, bản Ngàm Pốc, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngày xưa ở đây là đất đỏ, không ai đến, chim muông cũng không đến vì nơi đây đất rất cằn cỗi. Sau này mới có con người đến chinh phục, Mường Đeng trở thành nơi trù phú. Bà con đến ngày càng đông, chim muông cũng dần kéo tổ về đây”.
Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 10 dương lịch, lễ hội Mường Đeng lại được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ hội nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em; quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Yên Thắng; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng góp phần nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân.
Điểm nổi bật khi về với lễ hội Mường Đeng tại xã Yên Thắng là ngoài được hòa mình vào không gian của lễ hội với những trò chơi dân gian độc đáo, những hoạt động thể dục – thể thao thì du khách còn được trải nghiệm, khám phá danh thắng ruộng bậc thang ở bản Peo, bản Ngàm Pốc; được check-in với những guồng nước bên cầu treo dọc suối Ngàm và được tìm về với những bản làng người Thái bên nếp nhà sàn truyền thống xinh đẹp ẩn hiện giữa núi rừng bao la.
Về với lễ hội vùng cao thì chắc chắn du khách không thể bỏ qua những gian hàng rực rỡ sắc màu, nơi trưng bày các sản phẩm truyền thống của bà con, như: thổ cẩm, mây tre đan, nông sản… và được thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào Thái nơi mảnh đất Yên Thắng.
Chị Phạm Thị Nhung, Du khách đến từ huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Mình ở Quan Sơn sang. Hôm nay, biết có lễ hội nên sang đây chơi. Mình thấy không khí rất náo nhiệt, trang phục rất đẹp, có rất nhiều gian hàng bán đồ đặc sản của miền núi”.
Điểm nhấn độc đáo nhất của lễ hội Mường Đeng chính là việc địa phương và người dân vẫn duy trì tổ chức lễ hội Chá Mùn. Chá Mùn là một trong những lễ hội tín ngưỡng dân gian đặc sắc, tiêu biểu nhất của người Thái đen ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh. Lễ hội gồm nghi lễ mời Pó Then và linh hồn các thầy mo Mùn quá cố, gọi vía người bệnh về tham dự; đón người cai quản địa phương, khách tham dự; tổ chức các trò chơi, trò diễn, tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời… Lễ hội Chá Mùn được xem là cầu nối người dân trong bản, trong mường đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, thi đua sản xuất, xây dựng bản làng no ấm.
Hàng chục năm về trước, do biến cố của lịch sử, lễ hội Chá Mùn bị lãng quên. Năm 2017, được sự quan tâm của Nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Lang Chánh phục dựng thành công lễ hội này. Từ năm 2018 đến nay, lễ hội Chá Mùn được phục dựng với quy mô cấp xã, nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian tốt đẹp của người Thái. Với giá trị nhân văn sâu sắc, tháng 8/2024, Lễ hội Chá Mùn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Lễ hội Mường Đeng năm nay khép lại với những dư âm tốt đẹp, để lại những ấn tượng khó phai mờ đối với du khách và người dân vùng cao Yên Thắng. Đến với lễ hội Mường Đeng, đồng bào các dân tộc được cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nguồn: Ký sự miền sơn cước/TTV